Tỉnh Đoàn Phú Yên

https://www.tuoitrephuyen.vn


Tài liệu sinh hoạt chi đoàn Tháng 12/2022

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 12/2022. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. (Ảnh tư liệu)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. (Ảnh tư liệu)

Nội dung tải tại đây: /uploads/news/2022_11/tai-lieu-sinh-hoat-chi-doan-thang-12.2022.doc
Những ngày đáng nhớ trong tháng 12:
- 01/12/1988: Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.
- 03/12/1992: Ngày Quốc tế người khuyết tật.
- 06/12/1989: Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- 19/12/1946: Ngày toàn quốc kháng chiến.
- 20/12/1960: Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
- 22/12/1960: Đồng khởi Hòa Thịnh.
- 22/12/1944: Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
- 22/12/1989: Ngày Hội quốc phòng toàn dân.

1.    Bệnh AIDS là gì?
AIDS là tên viết tắt của cụm từ  tiếng  Anh Acquired  Immuno  Deficiency  Syndrom (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) do virus làm suy giảm miễn dịch ở người (Human Immuno-deficiency Virus – HIV) gây nên.
Virus HIV có thể phá hủy tế bào bảo vệ trong cơ thể con người gọi là CD4 – một tế bào lympho thuộc bạch huyết cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây nhiễm. Khi HIV phá hủy các tế bào lympho, hệ miễn dịch sẽ yếu đi và người bệnh không còn sức đề kháng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà người khỏe mạnh có thể đề kháng được. Khi người bị nhiễm HIV mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư này thì sẽ được chẩn đoán là  bị AIDS.
HIV: HIV là gì? Đây là tên gọi của virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể chứ không phải là bệnh, thường không biểu hiện triệu chứng và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm. Người nhiễm HIV nếu không được phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt sẽ dễ tiến triển thành bệnh AIDS.
AIDS: Đây là giai đoạn nặng nhất của người bị nhiễm HIV, thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng nặng của hội chứng suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, một người bị nhiễm HIV không có nghĩa là sẽ bị AIDS bởi nếu họ kiểm soát tốt sự phát triển của virus thì sẽ không tiến triển thành bệnh AIDS. Một người được chẩn đoán bị AIDS sau khi nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc ung thư mà những người khỏe mạnh có thể   chống lại được.
SIDA: Nhiều người thường nhầm lẫn giữa SIDA, AIDS và HIV. Vậy SIDA là gì? SIDA (Syndrome d’Immuno Deficience Acquise) chính là bệnh AIDS. Tuy nhiên, SIDA là tên gọi trùng với tên của Tổ chức phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA và tên của Tổ chức CIDA (Canada). Vì thế, bệnh SIDA được thống nhất đổi tên là AIDS để tránh nhầm lẫn.
Như vậy, HIV là một loài virus khi xâm nhập vào cơ thể con người thì gọi là người bị nhiễm HIV, và khi virus bắt đầu gây bệnh cho người nhiễm HIV thì được gọi là bệnh AIDS hay là bệnh SIDA (tên gọi trước đây).
Nếu một người bị nhiễm HIV và không được điều trị tốt, virus sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và tiến triển thành AIDS.
Các triệu chứng của AIDS có thể bao gồm:
-    Sụt cân nhanh chóng.
-    Sốt tái đi tái hoặc đổ mồ hôi về đêm.
-    Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
-    Các tuyến bạch huyết ở nách, háng hoặc cổ xuất hiện những nốt sưng kéo dài.
-    Tiêu chảy kéo dài liên tục trong hơn 1 tuần.
-    Loét miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
-    Viêm phổi.
-    Xuất hiện các đốm đỏ, nâu, hồng hoặc đỏ tía trên hoặc dưới da, bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt.
-    Suy giảm trí nhớ, trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.
2.    Phòng, chống AIDS
Tại Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả. Đồng thời với việc tiếp tục triển khai cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh/thành phố cho hơn 52.000 bệnh nhân. 03 năm gần đây, đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13.000 người. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Một kết quả quan trọng nữa là Việt Nam đã giảm số nhiễm HIV mới, tử vong. Tình hình HIV/AIDS giảm nhanh, ngày càng được kiểm soát tốt, đạt được các chỉ tiêu được giao; được cộng đồng quốc tế đánh gia là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.
Nguồn: Báo Người Lao Động



Ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Vậy, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được ra đời như thế nào?
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước
Ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Vậy, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được ra đời như thế nào?

Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có hơn 4 triệu cựu chiến binh, là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Có những đồng chí từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 - 1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ…; nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp; số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế…
Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo cựu chiến binh Việt Nam, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội.
Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu…
Trải qua 33 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Khẳng định vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân; xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Hội: Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới.

Ngày 6-12-2012: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm.
Sự kiện quốc tế
Ngày 6-12-1877, tờ Washington Post được thành lập và xuất bản số đầu tiên với 10.000 ấn bản. Như vậy, tính đến nay, tờ báo đã có 144 năm thành lập, là thương hiệu truyền thông lâu đời và là một trong những tờ báo hàng đầu có tầm ảnh hưởng và nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.
Ngày 6-12-1897, London, Anh trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có các xe taxi được cấp phép.
Theo dấu chân Người
Ngày 6-12-1945, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc, và dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về quy chế tài chính liên quan đến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, quy định bầu cử cho những người Cao Miên (Campuchia - BT) đã nhập quốc tịch Việt Nam.
Cùng ngày, Bác còn công bố thư gửi hai nhân vật Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh kêu gọi đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể:
“a) Xin mời các đồng chí Quốc dân đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.
b) Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.
c) Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.
d) Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên tôn thủ bản điều kiện đó cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11, tức là “không công kích nhau bằng lời nói và hành động" .
Văn kiện cho thấy thiện chí của Việt Minh nhưng phía Quốc dân đảng, ỷ vào thế lực của Trung Hoa Quốc dân đảng vẫn bất hợp tác để cuối cùng 72 đại biểu của tổ chức này được “mời” vào Quốc hội không qua bầu cử.
Ngày 6-12-1946 trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Chiến đấu vì chính nghĩa” của Bác nhìn nhận thực tế: “Rõ ràng quân đội Pháp đã thẳng tay tiến công, bất chấp tín nghĩa. Đối với cuộc chiến đấu tự vệ của ta, quốc dân đã theo dõi từng ly từng tý, nhưng không khỏi hoang mang. Vậy đứng về phương diện chiến lược, chúng ta thử xét sau này tình thế sẽ biến chuyển ra sao”.
Bài báo phân tích chiến thuật phòng ngự được coi là phương cách để trừ diệt địch để đi đến nhận định: “Ngoài điều kiện nhân hòa, chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời. Từ hang cùng ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở... Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”.
Ngày 6-12-1953, Bác cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 6-12-1958, đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Bác nhấn mạnh: “Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng là người sáng lập ra Quốc hội nước ta. Người đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Trong tư tưởng của Người, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân cả nước…
Trong bài viết “Hội nghị đại biểu toàn quốc “bù nhìn” vạch trần thủ đoạn của thực dân cho thành lập tổ chức “Hội nghị đại biểu toàn quốc” của chính quyền Bảo Đại đăng trên Báo Nhân Dân ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thực sự đem lại quyền lợi cho nhân dân”.
Lời khẳng định đanh thép của Người là một chân lý bất di, bất dịch, là nền tảng, làm cơ sở lý luận và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là tư tưởng và quan điểm gần dân, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân là cốt lõi và xuyên suốt trong thể chế Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay.
Người luôn quan niệm, Nhà nước do dân tức là dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước. Quốc hội nước ta tuy ở vị trí cao nhất song không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Khi xuất hiện những công việc liên quan đến vận mệnh của quốc gia, thì sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết; Nhà nước vì dân, tức nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” - đó là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh.
Và tư tưởng đó càng được thể hiện rõ qua việc, ngay sau khi tổ chức thành công Cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội đầu tiên (6-1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 1946, đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Quá trình chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, tổ chức và vận hành Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân…
Vận dụng, phát huy những thành tựu vô giá của tư tưởng của Người về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hoàn thiện cả về tổ chức, hoạt động, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 34, ngày 6-12-1954 đưa tin “Hồ Chủ tịch đến thăm Hội nghị cán bộ Quân sự Trung Cao cấp tại Thủ đô. Tại Hội nghị, Bác động viên, khích lệ bộ đội: “Các chú về chỉnh huấn cho bộ đội, Bác với Trung ương đặt giải thưởng. Tất cả phải cố gắng. Nếu hai ba đơn vị xứng đáng thì thưởng hai ba đơn vị. Nếu 15 đơn vị xứng đáng thì thưởng 15 đơn vị. Các chú cần thi đua làm cho được”.
Theo https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-6-12-1989-hoi-cuu-chien-binh-viet-nam-ra-doi-nhu-the-nao-678908



Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.Tuy nhiên vào thời điểm từ sau Cách mạng tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Vận mệnh nước Việt Nam như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng âm mưu, hành động và khả năng của các thế lực đế quốc, xác định đường lối Kháng chiến kiến quốc, vừa kháng chiến chống xâm lược, vừa xây dựng chế độ mới. Trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược, can thiệp trắng trợn của đế quốc và tương quan lực lượng bất lợi cho ta, chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, Đảng ta đã thực hiện chính sách hòa hoãn. Với thực dân Pháp là kẻ thù chính, ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Thực hiện thành công sách lược đúng đắn đó, ta đã giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng cùng bọn tay sai về nước, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Quân Pháp nắm quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng, nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi thành phố. Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, quân Pháp cũng tiến công đánh chiếm Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội.
Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 tháng 12/1946. Ngày 17/12, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.
Ngày 18/12/1964, tướng Morlière gửi cho ta tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội.
Ngọn lửa chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp bùng cháy trên toàn quốc là điều không thể tránh được nữa vì Pháp quyết định sẽ châm ngòi vào ngày 20/12/1946.
Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự chọn lựa lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy.
Ngày 17/12/1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự có mặt của Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng cùng âm mưu mở rộng chiến tranh ở Hà Nội và các nơi khác của thực dân Pháp.
Ngày 18 và 19/12/1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.
Chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã công bố mệnh lệnh chiến đấu, hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước; chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu với quân thù.
Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt-Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để cho Tổ Quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây, không để một tên sống sót. Ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính quyền Bắc kỳ khi đó (nay là Nhà khách Chính Phủ, số 12 Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, địch không thể nào chiếm nổi nhà bưu điện, quân ta tiêu diệt 122 người, 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe zíp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...
Ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra ở Hà Nội như vậy. Tại các thành phố khác, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bùng nổ vào đêm 19 tháng 12. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta đã giam chân địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời cơ thuận lợi cho việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước qua Đài phát thanh. Người kêu gọi:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm! Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Có thể nói, ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
75 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
Nguồn: baotang.thanhhoa.gov.vn

Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng

Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng và tổ chức thực hiện trong thực tế những quan điểm tiến bộ, sáng tạo về tôn giáo mà còn tích cực đấu tranh với những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn (1954 - 1985) (LIV), SLT 1474)
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín đồ các tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong quần chúng nhân dân, đã cùng với cộng đồng dân tộc đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Do đó, đoàn kết tôn giáo có tác động lớn đến việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, một vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, khi xâm lược Việt Nam, các thế lực thực dân, đế quốc đều tìm mọi thủ đoạn lợi dụng các tôn giáo, hòng biến các tôn giáo ở Việt Nam thành lực lượng đối lập với dân tộc, chống phá cách mạng. Âm mưu nguy hiểm, thâm độc của chúng là thực hiện chính sách “chia để trị”, từ đó làm suy yếu lực lượng cách mạng. Chúng lợi dụng sự khác biệt về nhân sinh quan, thế giới quan cũng như cách thức hoạt động theo những thể chế và thiết chế văn hóa - xã hội khác nhau giữa những đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là những người có đạo với những người cộng sản, gây nên những hiểu lầm, mâu thuẫn và xung đột. Trước những luận điệu như: “cộng sản là vô thần”, “cộng sản nắm chính quyền sớm muộn gì cũng sẽ tiêu diệt tôn giáo”, “thà mất nước còn hơn mất Chúa”..., Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo, mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người. Bọn đế quốc tuyên truyền bịa đặt, chúng mong chia rẽ giáo dân với Chính phủ và đồng bào khác. Chúng hòng đạt mục đích tội ác là chống cộng và chống nhân dân”(1).
Suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, các thế lực tôn giáo phản động cấu kết cùng chủ nghĩa thực dân dùng chiêu bài “nguy cơ đỏ”, kích động nhân dân bằng luận điệu “cộng sản sẽ tiêu diệt tôn giáo” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, tạo căng thẳng giữa chính quyền cách mạng và một bộ phận nhân dân. Ngay từ năm 1925, trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã lên án việc thực dân Pháp cấu kết với một số giáo sĩ, chức sắc tôn giáo lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm lược Việt Nam. Người tố cáo những giáo sĩ Pháp làm gián điệp, trực tiếp bắn giết đồng bào, cả giáo và lương. Với những chứng cứ thuyết phục, Người đã vạch trần một số tên thực dân khoác áo linh mục, lợi dụng tôn giáo tiếp tay cho giặc Pháp xâm lược Việt Nam, cùng với việc vơ vét của cải và gây tội ác với đồng bào. Người viết: “... Mọi đoàn đi khai hoá - dù đến Ăngtiơ, Mađagátxca, Tahiti hay là Đông Dương - cũng đều có móc theo một đoàn gọi là đoàn truyền giáo... Họ đã lợi dụng lòng hiếu khách của người An Nam để đánh cắp những bí mật quân sự, vẽ những bản đồ nộp cho quân đội viễn chinh...”(2).
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ tuyên truyền “Chính phủ Việt Nam cấm đạo”, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ và dụ dỗ, lừa bịp bằng thần quyền, đe doạ trắng trợn, dùng vũ lực cưỡng ép đồng bào vùng Công giáo di cư vào Nam nhằm làm chỗ dựa chính trị, quân sự cho chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời cô lập, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cách mạng XHCN ở miền Bắc... Một số kẻ đã lợi dụng tôn giáo, khai thác, bịa đặt yếu tố thần bí của tôn giáo, tâm linh để trục lợi cá nhân nhằm bòn rút tiền của nhân dân. Ngày 15/6/1957, nói chuyện tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng để xoay tiền”(3)…
Rõ ràng trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế lực thực dân, đế quốc luôn lợi dụng tôn giáo dưới mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo; gây hiềm khích kỳ thị, chia rẽ giữa các tôn giáo để tiến tới mục tiêu chống phá cách mạng. Hoạt động lợi dụng tôn giáo một cách ráo riết của các thế lực thù địch ảnh hưởng lớn đến tư tưởng trong quần chúng nhân dân, thậm chí là cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, có một bộ phận đồng bào tôn giáo, thậm chí một số cán bộ, đảng viên không hiểu rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ, do đó, trong quá trình thực hiện còn mắc sai lầm, xúc phạm đến tình cảm của giáo dân gây nên “những vụ đụng độ nhỏ giữa đồng bào với nhau”. Hồ Chí Minh đã giải thích nguyên nhân tình trạng đó như sau: “Một đàng có những người Công giáo nhẹ dạ, dễ tin; đàng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu tế nhị. Nhiều kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên nhằm tạo ra một bầu không khí không lành mạnh”.
Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra, một số cán bộ làm công tác tôn giáo đôi khi chưa có phương pháp vận động đồng bào thích hợp, chưa thực hiện đúng đường lối đại đoàn kết của Đảng nên đã làm cho tình hình tôn giáo ở nhiều nơi thêm phần phức tạp, tạo cơ hội cho kẻ thù lợi dụng. “Có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại”(4). Trong khi thực hiện công tác, nhất là ở vùng đồng bào Công giáo, cán bộ chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ; chưa gần gũi học hỏi quần chúng; chưa hiểu được phong tục tập quán của quần chúng nên đã dẫn tới hậu quả không tốt. “Không những dân ghét cán bộ, mà còn oán Chính phủ, oán Đảng”(5) .
Lênin cho rằng: “Đấu tranh chống lại các thành kiến tôn giáo thì phải cực kỳ thận trọng; trong cuộc chiến đấu này, ai làm thương tổn đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ gây thiệt hại lớn. Cần phải đấu tranh bằng tuyên truyền, bằng giáo dục. Nếu hành động thô bạo, chúng ta sẽ làm cho quần chúng tức giận; hành động như vậy sẽ càng gây thêm chia rẽ trong quần chúng về vấn đề tôn giáo, mà sức mạnh của ta là ở sự đoàn kết”(6). Với phương châm kiên trì và mềm mỏng nhưng rất kiên quyết trong từng thời điểm nhạy cảm và bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp khác nhau, Hồ Chí Minh đã từng bước giải quyết thành công mâu thuẫn, xung đột nảy sinh giữa các bộ phận giáo dân và chính quyền cách mạng, thực hiện đoàn kết tôn giáo, kịp thời phòng chống và đấu tranh với những hành động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu của địch đối với đồng bào theo các tôn giáo và giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của những cán bộ làm công tác tôn giáo là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tăng cường sự đoàn kết tôn giáo, cũng là góp phần vào cuộc đấu tranh chống lại việc lợi dụng vấn đề tôn giáo. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa II, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “phải ra sức tuyên truyền chính sách của ta và vạch rõ chính sách chia rẽ của địch”(7) Người khẳng định: “Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến, như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao Đài kháng chiến, v.v.. Một phần thì bị địch lợi dụng như ngụy quân Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo ở Nam Bộ. Một số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Các chức sắc tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với đồng bào tôn giáo. Do đó, Hồ Chí Minh gửi gắm các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo như linh mục, giám mục khi truyền bá tôn giáo “có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(8).
Bản thân Hồ Chí Minh đã sử dụng các những phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả và phù hợp (bằng chữ viết, bằng lời nói, bằng nêu gương...) đối với đồng bào tôn giáo. Người giải thích: Người Cộng sản cũng như đồng bào tôn giáo, đều vì lợi ích chung, mong muốn cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc cho mọi người dân trên đất nước. Vì thế, phải kiên quyết phản bác và lật rõ mưu đồ lừa bịp của thực dân, phong kiến, khiến cho đồng bào tôn giáo hiểu sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, dẫn đến có những hành vi, biểu hiện chống lại cách mạng.
Năm 1949, khi nhà báo Mỹ Haron Ixac đặt câu hỏi: Người Pháp nói “Việt Nam là cộng sản hoặc là do cộng sản chi phối. Theo ý Cụ thì thế nào?”. Hồ Chí Minh đã trả lời: “Đó là tuyên truyền láo của thực dân. Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các đảng phái, như tôn giáo, dân chủ, xã hội, mácxít. Có nhiều bộ trưởng không vào đảng phái nào. Lại có một vị hoàng tộc. Sao gọi được là cộng sản chi phối”(9).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957. (Ảnh: Tư liệu)
Để chống lại việc lợi dụng các tôn giáo của các thế lực thù địch, cùng với việc tuyên truyền, vận động, Hồ Chí Minh chú trọng việc tổ chức xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân.
Đất nước giành được độc lập là môi trường và điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển, nhân dân được tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo dưới sự đảm bảo và tôn trọng của Nhà nước. Ngày 3/9/1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị thực hiện ngay các quyền cơ bản của nhân dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Người viết: “Hiện nay những vấn đề gì là cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề: (...) Vấn đề thứ sáu: - Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”(10).
Quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đã được hiện thực hóa bằng việc Nhà nước đảm bảo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện. Hiến pháp đầu tiên nước ta năm 1946 (do chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban soạn thảo), Chương II, mục B đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Người cũng yêu cầu cán bộ của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và Mặt trận phải gương mẫu chấp hành chính sách tôn giáo; tận tâm giải thích, hướng dẫn đồng bào thực hiện đúng chính sách, pháp luật về tôn giáo, đồng thời kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Thư gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào Công giáo nhân dịp Lễ Nôen ngày 25/12/1956, Người viết: “Tôi tỏ lòng khen ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ, như thế là đã làm theo lời phán của Chúa Kirixitô: “Hỡi anh em, khi có ai mắc sai lầm, anh em hãy dịu dàng giúp anh em ấy sửa chữa”(11).
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào tôn giáo, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn là cơ sở quan trọng để chống lại sự lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch. Hồ Chí Minh cho rằng, “Ở những nơi nào đồng bào Công giáo đói kém, ta phải hướng dẫn họ tăng gia sản xuất, tôn trọng tự do tín ngưỡng của họ. Có như thế chúng ta mới thành công trong việc chống di cư, chớ không phải kẻ khẩu hiệu tầm bậy, không phải ngăn ngừa, mệnh lệnh mà chống được di cư”(12).
Để bảo vệ lợi ích của dân tộc và nhân dân trước các thế lực thù địch, Hồ Chí Minh đã ứng xử vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa kiên quyết, đặc biệt Người không khoan nhượng với những kẻ đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Người phân biệt tự do tín ngưỡng, tôn giáo và việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động, phân biệt rõ những kẻ chủ mưu lừa bịp với những người lầm lỡ bị dụ dỗ, lôi kéo. Người viết: “phải xét rõ những phần tử khác nhau đó, và dùng chính sách khác nhau mà đối phó”(13). Người tuyên bố: “Chính phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn”(14) và “Nếu giáo hội có người làm tay sai cho đế quốc xâm lược, thì bất kỳ những người đó ở tôn giáo nào cũng phải chịu pháp luật trừng trị. Không vì trừng trị bọn phản động trong giáo hội, mà Chính phủ can thiệp đến tín ngưỡng tự do. Cũng không vì bảo hộ tín ngưỡng tự do, mà Chính phủ dung túng bọn chó săn của đế quốc, để mặc chúng phá hoại Tổ quốc yêu quý của chúng ta”(15).
Hồ Chí Minh đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, kích động quần chúng chống lại cách mạng. Điều 7, Sắc lệnh tôn giáo số 234 ký ngày 14/6/1955 nêu rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc làm những việc trái pháp luật”.
Trong Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ năm 1947, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt. Chắc cụ không bao giờ tin rằng Việt Minh chống đạo vì cụ thừa biết Việt Nam độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo. Mà tôi cũng không bao giờ nghi rằng đồng bào Công giáo chống Việt Minh, vì hơn ai hết, đồng bào Công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc. Những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc, vì đạo đức giáo hoá chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta”(16).
Đối với những người theo tôn giáo bị kẻ thù mê hoặc, lợi dụng, Hồ Chí Minh thực hiện quan điểm khoan dung, độ lượng đối với đồng bào lầm đường lạc lối. Người khẳng định: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay trở về với Tổ quốc”(17). Người tuyên bố trước quốc dân: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ”(18), bởi lẽ: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”(19).
Hiểu rõ tôn giáo là nhu cầu thiết yếu của con người, Hồ Chí Minh không phủ nhận vai trò của tôn giáo, không tập trung đi sâu vào sự khác biệt giữa những tôn giáo khác nhau mà Người đi tìm những giá trị tích cực, tiến bộ và phù hợp của tôn giáo để cổ vũ và khích lệ đồng bào tôn giáo phát huy những giá trị đó trong thực hiện mục tiêu chung vì độc lập, tự do và hạnh phúc... Điều này được Xanhtơny - người không cùng quan điểm với Hồ Chí Minh, nói: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi có các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với bất kỳ một tôn giáo nào”(20). Đây chính là quan điểm có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng khối đoàn kết tôn giáo trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, cũng chính là kháng thể quan trọng để chúng ta có thể đấu tranh chống lại việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.
Tôn giáo đã, đang và sẽ còn tiếp tục tác động lớn đến đời sống xã hội của nước ta hiện nay. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, việc quán triệt, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đặc biệt, trong việc chống lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch hiện nay, tư tưởng và những bài học kinh nghiệm của Hồ Chí Minh về tôn giáo lại càng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc./.
TS. Trần Thị Hợi/TG
___________________________

(1) (12) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.9, tr.285, 441, 285.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.112.
(3) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.625, 463.
(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.96, 95.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1977, t.37, tr.221.
(7) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.388, 388.
(8) Sắc lệnh số 234 ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.40
(10) (18) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.8, 417, 280-281.
(14) Viện nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, tr.297.
(16) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.53, 516.
(20) Dẫn theo Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb. Trẻ, TP. HCM, 1988, tr.80.

Theo https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/van-dung-phat-trien-sang-tao-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dau-tranh-voi-cac-thu-doan-loi-dung-ton-giao-de-chong-pha-cach-mang-4371.html

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây