Bác Hồ với Tết trồng cây

Chủ nhật - 09/04/2017 21:27
Những năm 60 của thế kỷ trước tôi là cán bộ phòng tuyên truyền của Tổng cục Lâm nghiệp. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cán bộ tuyên truyền ngành lâm nghiệp chúng tôi lại bận rộn vô cùng. Đó là việc chuẩn bị cho “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng. Tổ chức họp báo để giới thiệu chủ đề về “Tết trồng cây”, tập hợp số liệu công việc trồng cây của các tỉnh, thành để làm báo cáo lên Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước.
Năm 1969, không ai ngờ đó là năm cuối cùng Bác Hồ đi trồng cây ở xã Vật Lại (Hà Tây cũ). Nhưng từ khi Bác mất đến nay, hầu như tất cả các địa phương năm nào cũng vẫn tiếp tục mở hội trồng cây. Hầu như những năm Bác còn sống, năm nào Bác cũng đều có bài viết về Tết trồng cây để duy trì và động viên phong trào. Tôi là người được ông Nguyễn Tạo - Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cử đi đưa công văn lên Văn phòng Phủ Chủ tịch. Công văn báo cáo việc trồng cây của các tỉnh và kế hoạch phát động “Tết trồng cây” của cả nước, đồng thời đề xuất bố trí địa điểm để Bác chọn và đến địa phương trồng cây. Một tuần trôi qua, tôi lại lên phòng khách phía cổng ngoài Phủ Chủ tịch để nhận lại công văn trả lời của Văn phòng Chủ tịch gửi ông Nguyễn Tạo. Thật ra lúc đầu câu thơ: “Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước mỗi ngày một xuân”, đã được Bác Hồ sửa lại thành: càng ngày càng xuân.

Năm ấy, Bác đọc xong báo cáo của các tỉnh, Bác đề nghị ông Nguyễn Tạo mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đến Phủ Chủ tịch để báo cáo thêm những vấn đề chung quanh về “Tết trồng cây”. Thấy đồng chí Bí thư xách chiếc cặp to, Bác hỏi luôn: “Cặp của chú đựng gì mà to thế?”. Đồng chí Bí thư bị hỏi bất ngờ nên hơi lúng túng, rồi cũng trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu mang đủ tài liệu của tỉnh để báo cáo Bác”. Bác lại bảo:

- Hôm nay Bác không hỏi chú nhiều, mà chỉ hỏi một việc về Tết trồng cây của tỉnh chuẩn bị và đã thực hiện như thế nào.

Nghe đến đây, đồng chí Bí thư phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm, liền báo cáo Bác:

- Thưa Bác, năm nay Nghệ An đã phát động “Tết trồng cây” sớm, hiện đã trồng được một triệu bảy nghìn sáu trăm tám mươi cây, và sau cấy, chúng cháu sẽ trồng tiếp mười lăm nghìn cây nữa ạ!

Nghe xong, Bác khen:

- Tỉnh Nghệ An quê Bác trồng cây như thế là tốt, nhưng Bác muốn hỏi, Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có biết bao nhiêu cây chết không? Chú có cho đếm được không?

Câu hỏi rất thiết thực và cụ thể hóc búa quá! Đồng chí Bí thư không trả lời được, lúng ta lúng túng. Bác bèn nói luôn:

- Nghệ An cũng là quê Bác, các chú làm không tốt thì Bác vui sao được, các chú chỉ nghĩ đến thành tích mà không nghĩ đến hậu quả, thế cũng là chưa thật thà với nhân dân, trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không để lãng phí công sức và của cải vật chất! Vậy “Tết trồng cây” năm nay Nghệ An phải làm tốt hơn nữa để Bác vui.

Đồng chí Bí thư hơi đỏ mặt, nhưng có lẽ cũng nhận thấy có lỗi với Bác Hồ trong báo cáo và nắm tình hình cụ thể về Tết trồng cây của tỉnh nên ông xin hứa thực hiện thật tốt lời dặn dò vừa thân tình vừa như phê bình nhẹ nhàng của Bác.

Quay về phía đồng chí Nguyễn Tạo, Bác Hồ lại nói:

- Chú Tạo phát động báo chí viết bài chú ý đến việc trồng cây nào sống tốt cây ấy. Mấy ngày sau, trên báo Nhân Dân đã có bài “Trồng cây nào sống tốt cây ấy” của Bác. Xúc tiến những chỉ thị của Bác Hồ, một tuần sau, các báo đều đồng loạt có bài viết về “Tết trồng cây”, phát động phong trào “Ông trồng cháu chăm”, rồi hàng loạt tranh cổ động in ra với câu ca: “Mùa xuân là Tết trồng cây / Vâng lời Bác dạy ta gây nên rừng...”. Lúc đầu “Tết trồng cây” còn là phong trào quần chúng, chưa có quy hoạch cụ thể, vì thế chất lượng cây trồng chưa cao, từng vùng chưa chọn giống cây phù hợp. Sau này khi đi kiểm tra, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy nhiều vùng đồi cây ít được chăm sóc, vì thế đồng chí đã đề xuất: Thà có một cánh rừng của nhân dân còn hơn để đồi trọc của Nhà nước. Và cũng chính vì ý kiến ấy mà một số chính sách của Nhà nước đã dần dần phù hợp với đời sống, nguyện vọng của nhân dân. Việc giao đất, giao rừng cho gia đình và tập thể hoặc cá nhân đã được thực hiện. Hầu như các đồi trọc giờ đây đã “Xanh rừng, xanh núi, xanh mây / Xanh trời, xanh đất, xanh cây đồng làng” và đời sống kinh tế nhiều gia đình nông dân đã được cải thiện, thậm chí còn trở thành triệu phú.

Tết này của năm Quý Tỵ - 2013, đã hơn nửa thế kỷ, lời kêu gọi của Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” vẫn còn nguyên giá trị và đã đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân.

 

 
TRẦN TRƯƠNG
(THEO BÁO NHÂN DÂN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây