Thấm nhuần tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay

Thứ ba - 28/08/2018 20:45
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác dân vận và chính Người là tấm gương sáng về mối quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Trong đó, tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Bác là bài học sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Bài học đó có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay.
Thấm nhuần tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay

Xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết, máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân là một nguyên tắc bất di, bất dịch, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, sức mạnh của Đảng, của đất nước đều nằm ở dân, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân,... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”1. Khi sức dân được huy động, tập hợp, tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch để chiến thắng thiên tai, địch họa. Tư tưởng trọng dân của Người được hình thành trên cơ sở lấy tình thương yêu thật sự để cảm hóa nhân dân. Điều đó được thể hiện trong mỗi suy nghĩ, hành động của Người, ở cả những vấn đề trọng đại của đất nước, như: Xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến những hành động cụ thể khi tiếp xúc với dân - tất cả đều hướng vào phục vụ lợi ích của nhân dân.
Sinh thời, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên: Phải nâng cao tinh thần phục vụ trước Đảng và quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; phải thương yêu và tôn trọng quyền làm chủ thật sự của nhân dân; tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra oai, v.v. Đề cập đến xây dựng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Ðảng và chế độ, Bác cho rằng: Để dân tin Ðảng, tin vào chế độ tốt đẹp thì người lãnh đạo phải thực hành dân chủ với dân, tôn trọng nhân dân như tôn trọng bản thân mình. Mỗi cán bộ phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, thường xuyên mở rộng dân chủ để người dân được nói lên suy nghĩ của mình và làm những việc có ích, có lợi cho xã hội. Đừng để họ “không dám nói” và càng không để họ “không thèm nói”, nếu không thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.
Phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thông qua sự ân cần, chu đáo, không phân biệt vị trí, thứ bậc khi tiếp xúc với mọi đối tượng từ các cụ già đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, từ người nông dân, công nhân lao động đến bộ đội, v.v. Theo thống kê, trong 10 năm (từ năm 1955 đến năm 1965), không quản tuổi cao, sức yếu, công việc bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện khoảng 700 chuyến đi cơ sở để thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, nắm tình hình, kiểm tra công việc, v.v. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một Lãnh tụ, một Chủ tịch Nước. Cách thức tiếp xúc với nhân dân của Bác cũng hết sức giản dị, gần gũi, cởi mở, chân thành. Vì thế, khi được gặp Bác, mỗi người dân đều phấn khởi và cảm nhận như gặp người ông, người cha, người anh, người bạn.
Học tập và làm theo tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn. Cần thấy rằng “lòng dân” chỉ trở thành “thế trận” khi được một tổ chức (đại biểu cho lợi ích của dân tộc) quy tụ, sử dụng và phát huy cho mục tiêu chung của dân tộc; mà nhân dân tin vào Đảng và chế độ chủ yếu là thông qua lòng tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, để xây dựng lòng tin của nhân dân - vấn đề cốt lõi của “thế trận lòng dân”, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân để tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Kết luận 120-KL/TƯ, ngày 07-01-2016 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày thêm vững chắc.
Thấm nhuần tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi hành động, lời nói; nói đi đôi với làm; đề cao tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới phong cách, phương pháp, thái độ, tác phong tiếp xúc với nhân dân; sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe dân nói và biết nói cho dân nghe; thực sự “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, đem lại lợi ích cho dân, làm cho nhân dân thực sự tin yêu Đảng, mà trước hết là tin yêu mình. Đối với công việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tận tâm, tận lực, không ngại khó khăn, gian khổ, tránh biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm khi tiếp xúc với dân; phải luôn khắc ghi lời Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”2. Các cấp, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ quyền hạn, lợi ích gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, làm cơ sở thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động; qua đó, xây dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo thành “thế trận lòng dân” vững chắc, cùng chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng để chống phá ta quyết liệt là: Xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân, toàn quân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Phương pháp, cách thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp, phải “trọng dân, gần dân” để tuyên truyền và thấu hiểu những bức xúc, vướng mắc cần giải quyết, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá. Trên cơ sở đó, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên phạm vi cả nước cũng như trên từng vùng, miền, địa phương, cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân tạo thành thế trận tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Cùng với đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch thì vấn đề nổi lên hiện nay là chống “giặc nội xâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân”3. Đáng lo ngại là, “bốn nguy cơ” mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp; nhất là tệ nạn tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, sự quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xa rời nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Họ coi nhẹ những vấn đề có tính nguyên tắc, cố tình vi phạm pháp luật, làm trái những quy định chung để mưu lợi cho bản thân và phe nhóm, trong đó có cả trường hợp là cán bộ cao cấp của Đảng. Những vi phạm đó không chỉ làm thiệt hại về vật chất mà còn gây nên những tổn thất khôn lường, làm tổn thương tình cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm triệt tiêu sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nếu tệ tham nhũng không được ngăn chặn kịp thời sẽ đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì thế, các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì cần quán triệt sâu sắc quan điểm, quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, thường xuyên tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác, thực hiện: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, điều tra,... để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình thực hiện phải “trọng dân, gần dân”, nắm và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị chính đáng của nhân dân; bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh này.
Hệ thống luật pháp, chính sách tác động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; nói cách khác, các tầng lớp nhân dân là đối tượng quan trọng nhất của hệ thống pháp luật, chính sách. Vì thế, khi xây dựng các văn bản luật pháp cũng như các chính sách, chủ trương, các nghị định, thông tư… cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng trọng dân, vì dân của Bác. Quá trình soạn thảo, ban hành phải đúng quy trình và hết sức thận trọng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia ý kiến xây dựng, đặc biệt là các dự án luật, dự án phát triển kinh tế, xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, từ đó tự giác thực hiện theo quy định, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với hệ thống pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Thấm nhuần tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt nhiệm vụ này, làm cho nhân dân luôn tin tưởng, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

------------------
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 453.
2 - Sđd, Tập 4, tr. 51.
3 - Sđd, Tập 13, tr. 68.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây