Thượng thư triều Nguyễn được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư tay mời làm cố vấn

Thứ hai - 16/09/2019 23:41
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (từ trái sang) tại Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng của ông Võ Nguyên Giáp, ngày 28/5/1948
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (từ trái sang) tại Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng của ông Võ Nguyên Giáp, ngày 28/5/1948
Sau Cách mạng Tháng 8, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn cho Chính phủ.
Sáng nay 16/9, tại Hà Nội, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019).

Treo bảng thông báo “không nhận quà biếu” và cấm người nhà nhận quà biếu

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, nguyên Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương thủ đô Hà Nội.

Điểm lại cuộc đời, sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn, bà Ngân nhấn mạnh, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của triều đình nhà Nguyễn, cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn.

“Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”, bà Ngân nói.

Dẫn lại chuyện cụ Bùi Bằng Đoàn treo bảng thông báo công khai “không nhận quà biếu” và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “liêm”, “chính” của một bậc danh Nho chân chính.

“Bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân”, bà Ngân nhấn mạnh và dẫn lại câu chuyện cụ Bùi Bằng Đoàn đề xuất, tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu khi làm quan Tri phủ Xuân Trường (Nam Định).

Đặt Tổ quốc lên trên tất cả

Sau Cách mạng Tháng 8, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn cho Chính phủ.

Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.

Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.

“Trên cương vị Trưởng ban thường trực Quốc hội, cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến”, bà Ngân cho hay.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”, cụ Bùi Bằng Đoàn - một vị quan thượng thư trong bộ máy của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng.

“Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc”, bà Ngân nhấn mạnh, và khẳng định tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước.
                                                                                                                                                                                                                STTM

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây