Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” giai đoạn 2015 - 2017

Thực hiện Hướng dẫn số 68-HD/TWĐTN-TNTH ngày 03/11/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” trong các trường THPT, TTGDTX giai đoạn 2015 - 2017, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng Hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể như sau:

Số kí hiệu Số: 88 -HD/TĐTN-TNTH
Ngày ban hành 11/07/2017
Thể loại Văn bản của Đoàn
Lĩnh vực Đoàn Thanh Niên
Cơ quan ban hành Tỉnh Đoàn Phú Yên
Người ký Phan Xuân Hạnh

Nội dung

BCH ĐOÀN TỈNH PHÚ YÊN                    ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
                        ***
    Số: 88 -HD/TĐTN-TNTH                   Phú Yên, ngày 07 tháng 12 năm 2015
 
 

 
HƯỚNG DẪN
Triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” giai đoạn 2015 - 2017

Thực hiện Hướng dẫn số 68-HD/TWĐTN-TNTH ngày 03/11/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” trong các trường THPT, TTGDTX giai đoạn 2015 - 2017, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng Hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng môi trường, tạo động lực rèn luyện, phấn đấu toàn diện trên các mặt: đạo đức, học tập, tích lũy tri thức phổ thong, thể lực và kỹ năng thực hành xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các trường THPT, TTGDTX trong toàn tỉnh.
- Là giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các trường THPT, TTGDTX toàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Phong trào “Khi tôi 18” được triển khai tới 100% Đoàn các trường và học sinh THPT, TTGDTX.
- Các cấp bộ Đoàn có các giải pháp tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra định kỳ trong quá trình triển khai phong trào.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác tuyên truyền, giới thiệu phong trào “Khi tôi 18”
- Tập trung tuyên truyền trực quan, triển khai hệ thống pano, băng rôn, khẩu hiệu cổ động học sinh tích cực tham gia phong trào, đặt tại vị trí phù hợp ở cổng trường, sân trường, nhà thi đấu đa năng, sân thể thao…hoặc các địa điểm đông học sinh. Thực hiện chuyên mục “Khi tôi 18” trên bảng tin, bản tin online, với các nội dung như: Ước mơ tuổi 18, kỹ năng tuổi 18, tuổi 18 cần biết…phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị.
- Tổ chức sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt lớp, câu lạc bộ, đội, nhóm, tuyên truyền, giới thiệu về các nội dung, hình thức của phong trào “Khi tôi 18”.
- Tổ chức chương trình phát thanh “Khi tôi 18” giới thiệu các nội dung của phong trào, các gương điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào, các chuyên mục theo yêu cầu của học sinh trong trường.
- Tổ chức sinh hoạt dưới cờ gắn với triển khai thực hiện các nội dung phong trào “Khi tôi 18”, phấn đấu mỗi tháng có ít nhất 01 chuyên đề sinh hoạt dưới cờ “Khi tôi 18”; mỗi chi đoàn (lớp) chủ trì ít nhất 01 buổi sinh hoạt dưới cờ theo chuyên đề “Khi tôi 18”.
- Các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trường phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình huyện, thị xã, thành phố xây dựng các tuyến bài giới thiệu về phong trào; biên tập, phát hành bộ hỏi - đáp “Khi tôi 18”, làm cẩm nang tư vấn, hỗ trợ học sinh tham gia phong trào.
- Giới thiệu phong trào “Khi tôi 18” trong đội ngũ giáo viên, phụ huynh và các tổ chức xã hội, thông qua đó thu hút sự quan tâm, hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phong trào.
2. Tổ chức các hoạt động tạo môi trường để học sinh tham gia phong trào “Khi tôi 18”
2.1. Nhóm giải pháp tạo môi trường hỗ trợ học sinh tích cực rèn luyện đạo đức
- Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, giới thiệu các sự kiện quan trọng của đất nước, của Đảng, Đoàn trong các trường gắn với việc triển khai học tập và làm theo lời Bác như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu nhân chứng lịch sử, làm báo tường, tổ chức hành trình về nguồn, tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức cuộc thi“Tự hào Việt Nam”, thăm quan các di tích lịch sử, các chương trình, hội diễn, liên hoan văn nghệ với các ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, mái trường, tinh thần “tôn sư trọng đạo”,…
- Tổ chức các chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”; các buổi sinh hoạt chi đoàn, câu lạc bộ, đội, nhóm, diễn đàn về “Xây dựng văn hóa học đường”, diễn đàn “Học làm người có ích”, “Tuổi trẻ sống đẹp”, xây dựng lối sống lành mạnh, trung thực, ứng xử văn minh, tinh thần tiết kiệm, biết khai thác, sử dụng mạng xã hội tích cực, hiệu quả trong học sinh.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm tỉ lệ vi phạm luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua: Ngày hội pháp luật, ngày hội văn hóa giao thông, hội thi kiến thức pháp luật… chấp hành nội quy nhà trường.
- Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện thường xuyên, chiến dịch Hoa phượng đỏ trong dịp hè với các nội dung phù hợp lứa tuổi; các hoạt động bảo vệ môi trường nơi học và nơi ở, tham gia xây dựng văn minh đô thị; xây dựng nông thôn mới; các hoạt động khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn; giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn;…
- Tham mưu cho cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với học sinh để học sinh trao đổi, bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng; tổ chức đa dạng các hình thức nắm bắt thông tin: qua đội ngũ cán bộ đoàn, các diễn đàn, mạng xã hội, hộp thư góp ý,...thông qua đó, nắm bắt tư tưởng, định hướng, hỗ trợ học sinh trong học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện.
- Định kỳ hàng năm, tổ chức “Lễ trưởng thành tuổi 18” dành cho học sinh khối lớp 12 nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về ý thức, trách nhiệm của công dân tuổi 18.
2.2. Nhóm giải pháp tạo môi trường hỗ trợ học sinh tích cực học tập, nâng cao tri thức phổ thông
- Tổ chức các hoạt động giáo dục thái độ, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần cầu tiến, trung thực trong học tập cho học sinh; phối hợp phòng chống các tiêu cực, gian lận trong học tập, thi cử và kiểm tra.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập của cựu học sinh nhà trường đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đạt thành tích cao trong học tập và các cuộc thi trong và ngoài nước; tập trung các nhóm giải pháp hỗ trợ học sinh trung bình, yếu.
- Phối hợp với hội phụ huynh học sinh vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm để thành lập, duy trì và phát triển các quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
- Tổ chức nhiều loại hình khuyến khích, hỗ trợ học tập cho học sinh như: Ngày hội học tập, câu lạc bộ học sinh giỏi, mô hình “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Tiếng hát khuyến học”; thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật; tổ chức các cuộc thi học thuật, cuộc thi sáng tạo với nhiều hình thức sinh động giúp học sinh củng cố kiến thức, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn…Có hình thức động viên học sinh tài năng, học sinh đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
- Tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt trước các kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm. Trong đó, chú ý khảo sát nhu cầu và tư vấn định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh xác định năng lực bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tổ chức mời các diễn giả, chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thăm quan, giới thiệu các trường đại học, cao đẳng, học viện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh có tâm lý vững vàng, nhận thức đầy đủ, có căn cứ rõ ràng để chọn trường, chọn nghề phù hợp.
- Tổ chức các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ học sinh trang bị và nắm vững tri thức phổ thông: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức như: Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia, tổ chức giới thiệu các kiến thức xã hội cần thiết, các hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa cơ bản qua các bản tin Khi tôi 18, lồng ghép trong các hoạt động của các cấp bộ Đoàn.
2.3. Nhóm giải pháp tạo môi trường hỗ trợ học sinh rèn luyện thể lực và kỹ năng thực hành xã hội
- Xây dựng và duy trì các câu lạc bộ, đội, nhóm thể dục thể thao của học sinh, cổ vũ học sinh tham gia, tạo môi trường sinh hoạt, hoạt động thể thao tập thể, rèn luyện, nâng cao thể lực cho học sinh.
- Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao phong trào nhằm thu hút học sinh tham gia luyện tập, thi đấu: hội khỏe, đồng diễn thể dục, đi bộ, chạy việt dã, các môn thể thao dân gian… Định kỳ tổ chức các giải thể thao các cấp: giải thi đấu bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…
- Tổ chức các hội thi, sân chơi, các khóa đào tạo, các hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, tập trung vào các nội dung như: kỹ năng xây dựng mục tiêu, thuyết trình thuyết phục, giải quyết vấn đề và ra quyết định, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo; kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích; kỹ năng khai thác và sử dụng mạng xã hội hiệu quả…
- Thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho học sinh; tạo môi trường để học sinh thể hiện và phát huy tài năng.
- Có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tích cực học tập, trang bị kiến thức ngoại ngữ, tin học. Tổ chức các cuộc thi ngoại ngữ, tin học, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, rèn luyện, chuẩn bị hành trang tự tin hội nhập.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp tỉnh
- Xây dựng Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” đến các huyện, thị, thành Đoàn, đoàn khối các cơ quan tỉnh.
- Phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai có hiệu quả phong trào “Khi tôi 18”.
- Giao cho Ban Thanh niên Trường học trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn khối các cơ quan và các trường THPT, TTGDTX thực hiện phong trào; xét chọn, tổ chức tuyên dương các học sinh tiêu biểu trong phong trào; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm.
2. Các huyện, thị, thành đoàn, Đoàn khối các cơ quan tỉnh
- Căn cứ Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của phong trào “Khi tôi 18” cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị và hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” tới các Đoàn trường học, các TTGDTX.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền về phong trào “Khi tôi 18” trên hệ thống website cơ quan, đài phát thanh truyền hình địa phương.
- Tổng hợp, báo cáo, giới thiệu các mô hình hoạt động tiêu biểu của đơn vị mình trong quá trình thực hiện phong trào “Khi tôi 18” về Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn (qua Ban TNTH) trong báo cáo sơ kết, tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học hàng năm.
Trên đây là Hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Khi tôi 18” trong các trường THPT, TTGDTX giai đoạn 2015 - 2017, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đề nghị Ban Thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn khối các cơ quan tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Hướng dẫn này.
 
 
Nơi nhận:
- TW Đoàn: BBT, TNTH;
- Ban Dân vận, Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Sở GD&ĐT tỉnh;
- Tỉnh Đoàn, TT, các ban;
- Các huyện, thị, thành Đoàn,
  Đoàn khối CCQ tỉnh;
- BGH, BGĐ các trường THPT, TTGDTX      
- Lưu TNTH, VP.
TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN
PHÓ BÍ THƯ
(Đã ký)
Lê Thị Thanh Bích
 

Các văn bản cùng thể loại "Văn bản của Đoàn"

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây