Đoàn, Hội giúp thanh niên khởi nghiệp

Thứ năm - 04/11/2021 22:50
Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội không chỉ giúp cây giống, con giống cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), mà còn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm khơi dậy ý chí khởi nghiệp, giúp ĐVTN lập nghiệp và phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
ĐVTN tham quan thực tế mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên.
ĐVTN tham quan thực tế mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên.

Hỗ trợ cây, con giống

Mới đây, Huyện Đoàn, Hội LHTN huyện Sơn Hòa đã đến thăm và trao tặng 40 cây giống các loại gồm: dừa xiêm, mít Thái và bưởi da xanh cho hộ anh Kpá Y Lốc (xã Suối Trai). Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương do Huyện đoàn Sơn Hòa khởi xướng.

Nhận được cây giống, Kpá Y Lốc vui lắm. Anh tâm sự: Tôi làm mô hình trồng cây ăn trái có chất lượng, tuy nhiên, nguồn vốn hạn chế, nên chưa đầu tư được nhiều. Do vậy, khi được Huyện đoàn hỗ trợ, tôi sẽ không ngừng học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tốt nguồn cây giống này để khởi nghiệp trong thời gian tới.

Theo Kpá Y Lốc, hiện nhiều ĐVTN cũng muốn đầu tư phát triển kinh tế, nhưng do thiếu nguồn vốn và trình độ năng lực để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên họ còn ngại.

Trước đó, Huyện Đoàn Sơn Hòa cũng đã đến tặng 700.000 cây keo giống cho anh Đàm Ngọc Truyền ở xã Sơn Xuân để giúp anh xây dựng mô hình “Vườn ươm thanh niên”. Mô hình này không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, mà còn tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương.

Theo anh Cao Minh Sang, Bí thư Huyện Đoàn Sơn Hòa, thời gian tới, Huyện Đoàn và Hội LHTN huyện tiếp tục vận động các nguồn lực để giúp thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp ngay tại quê hương một cách cụ thể, hiệu quả và thiết thực nhất. “Chúng tôi phấn đấu trong thời gian đến mỗi xã, thị trấn có ít nhất từ một đến hai hộ thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ cây giống miễn phí để khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức đoàn, hội cũng sẽ kết nối với các chủ vườn ươm hướng dẫn kỹ thuật ghép và trồng cây hiệu quả, phù hợp với khí hậu và đất đai của từng địa phương”, anh Sang nói.

Mới đây, Huyện Đoàn Tuy An cũng đã trao tặng 30 con gà giống và 10kg thức ăn tổng hợp cho hộ thanh niên Nguyễn Thị Mỹ Trang ở xã An Thạch. Chị Trang là thanh niên công giáo có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã nỗ lực chịu khó vươn lên khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà thương phẩm để thoát nghèo.

Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật

Cuối tháng 10 vừa qua, 35 cán bộ đoàn và ĐVTN ở Huyện Đoàn Tuy An rất hứng thú khi trực tiếp tham gia chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư và nấm rơm, cũng như phương pháp sáng tạo trong sử dụng nguồn phụ phẩm hữu cơ trồng nấm và bảo vệ môi trường do Huyện đoàn phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An tổ chức.

Tại lớp học, các học viên được phổ biến kiến thức về quy trình ứng dụng KH-CN trồng nấm bào ngư và nấm rơm bằng phương pháp sáng tạo, sử dụng nguồn phụ phẩm hữu cơ có sẵn, thân thiện và bảo vệ môi trường. Nhất là được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn các quy trình: lựa chọn, xử lý nguyên liệu, phương pháp tiến hành đóng túi, thanh trùng; rạch lỗ, chuẩn bị giống và phương pháp cấy giống; lựa chọn và chuẩn bị khu vực vườn ươm, quá trình chăm sóc phun tưới và thu hái...

Ngoài ra, các học viên còn được trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trồng, chăm sóc nấm bào ngư và nấm rơm; phổ biến một số mô hình ứng dụng KH-CN mới đang áp dụng trong huyện; giới thiệu các mô hình thanh niên trồng nấm đã thành công tại các xã An Chấn, An Dân và An Cư.

Anh Cao Xuân Thảo (ĐVTN ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An) chia sẻ: Hiện nay, tôi đang gầy dựng một trang trại nấm thương phẩm. Cái mà chúng tôi thiếu là nguồn vốn và khoa học kỹ thuật. Vì vậy, tôi thấy lớp tập huấn này rất bổ ích, giúp ĐVTN nắm vững các kiến thức, kỹ thuật trồng nấm bào ngư và nấm rơm. Từ đó phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp dành cho ĐVTN ở các tổ hợp tác thanh niên, CLB thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh và TX Đông Hòa.

Tại đây, học viên được giới thiệu tổng quan về mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã và đang phát triển tại Phú Yên như: Mô hình cấy mô cây chuối mốc, lan giã hạc, nuôi trồng đông trùng hạ thảo; quy trình sản xuất trồng rau thủy canh; trồng ớt chuông, cà chua bi… Đây là hoạt động thực hiện đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Phú Yên.

Theo anh Lương Minh Tùng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nên Hội đang đẩy mạnh phong trào “khởi nghiệp, lập nghiệp” trong ĐVTN nhằm tạo ra những kết quả đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội cho các bạn trẻ. Để giúp ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, các tổ chức đoàn, hội ở các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ và ĐVTN về các mô hình phát triển kinh tế. Ðẩy mạnh phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, thi đua lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

“Nhất là cần triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ tự tạo việc làm theo hướng tập trung, hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho thanh niên khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, tự tạo việc làm và thu hút lao động tại chỗ. Ðồng thời chủ động làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho thanh niên”, anh Lương Minh Tùng nhấn mạnh. 

Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN, tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở cần đẩy mạnh vận động, hướng dẫn ĐVTN áp dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Nhất là thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp, giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hiệu quả. Anh Lương Minh Tùng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh

VĂN TÀI (baophuyen.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây