Làm việc gì cũng phải gắn tình Bác, gương Bác

Thứ hai - 09/09/2019 21:56
“Không có vị thánh hiền, không có tấm gương nào để chúng ta học tập xứng đáng hơn Bác Hồ. Bác sống giản dị, hết thảy quan tâm đến mọi người, luôn chiến đấu vì lý tưởng cao cả, vì nước, vì dân. Năm nay tôi đã 80 tuổi, nhưng suốt cuộc đời mình, tôi luôn nguyện là học trò nhỏ của Người”.
GS-TS Trình Quang Phú (bìa phải) cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ.
GS-TS Trình Quang Phú (bìa phải) cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ.

Đó là những chia sẻ của GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người (1969-2019).

Từng nhiều lần được gặp Bác Hồ trong suốt chặng đường công tác của mình, chứng kiến những tình cảm sâu sắc của Bác với miền Nam yêu thương nên sau khi Bác mất, người con quê ở xã An Chấn, huyện Tuy An này đã viết nhiều tác phẩm về Người, được bạn đọc yêu mến, tìm đọc.

Viết về Bác Hồ với cả thương yêu

Trong căn phòng làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông của GS-TS Trình Quang Phú bốn bề chất kín sách, tài liệu. Với tình cảm kính trọng và yêu mến Bác Hồ, ông dành vị trí trang trọng nhất trong căn phòng để trưng ảnh Người. Rút từ giá sách cuốn “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, chất chứa tâm huyết cả một đời của mình, ông Phú chia sẻ: “Cuốn sách này được xuất bản năm 1996, cuối năm nay sẽ được tái bản lần thứ 18. Qua các lần tái bản, tôi đều điều chỉnh, bổ sung thêm tư liệu, gần đây nhất là tư liệu Bác Hồ ở Bình Định, Cam Ranh. Điều tôi trăn trở nhất là vẫn chưa thể tìm ra tư liệu Bác Hồ ở Phú Yên. Bởi lẽ, trên hành trình từ Làng Sen vào bến Nhà Rồng, chắc chắn, Bác phải đi qua Phú Yên. Khi đến Bình Định, Người đã ở nhà của ông Phạm Ngọc Thọ, thân sinh bác sĩ tài danh Phạm Ngọc Thạch, Tỉnh trưởng Sông Cầu lúc bấy giờ, nên rất có thể Bác đã vào Phú Yên”.

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng mỗi khi nhắc đến đề tài Bác Hồ, ông Phú vẫn nói say sưa, nhớ rõ từng chi tiết. Từng công tác tại Ban Miền Nam Trung ương Đảng (CP40) làm công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nên ông có cơ hội được tiếp xúc nhiều nhân vật miền Nam, chứng kiến những cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa Bác Hồ với các đại biểu miền Nam. Cho nên, sau khi Bác mất, ông đã bắt đầu viết sách về Người với mong muốn cung cấp thông tin cho anh em miền Nam yêu thương chưa một lần được đón Bác vào thăm. Giáo sư Phú có 5 tác phẩm viết về Bác Hồ, đó là: “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, “Miền Nam trong lòng Bác”, “Người là niềm tin”. Trong đó, tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” được tái bản lần thứ 16; tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” chuẩn bị được tái bản lần thứ 18. “Sách viết ra được bạn đọc chấp nhận, phần lớn không phải vì người ta yêu tác giả, mà vì yêu Bác Hồ, muốn tìm hiểu tình cảm của Bác với miền Nam. Chính vì suy nghĩ đó nên tôi không ngừng bổ sung, sửa chữa, biên soạn tư liệu qua mỗi lần tái bản”, GS-TS Trình Quang Phú bộc bạch.

Trong những cuốn sách viết về Bác Hồ, ông Phú lựa chọn cách viết dung dị, bình dân, như kể chuyện. Phương châm của ông khi viết về Bác là không hư cấu, không cần nâng cao, kể đúng và thực nhưng biết khai thác để tạo được xúc cảm, làm toát lên tính nhân văn của một người Việt Nam hoàn hảo ở Bác. Sinh thời, Bác cũng từng là nhà báo, nhà văn hóa lớn, nên ngôn từ của Bác rất chuẩn. Vì vậy, ông Phú đã tìm hiểu ngôn từ của Bác, sưu tập nhiều nguồn tài liệu, đồng thời ghi nhận từ những cảm xúc mỗi lần gặp Bác của mình và của những bạn bè, đồng đội để viết về Người bằng chính tình cảm chân thành của người con miền Nam viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Nhớ mãi lần được gặp Bác

Trong cuộc đời hoạt động của mình, GS-TS Trình Quang Phú đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời gian công tác ở Ban Miền Nam. Mỗi khi có đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Bác, ông là người đồng hành, đưa tin, ghi lại hình ảnh nên có nhiều cơ hội diện kiến Người. Trong nhiều kỷ niệm được gặp Bác, ông Phú nhớ mãi lần được Bác gọi lên cùng thủ trưởng của mình là ông Lê Toàn Thư (Phó Ban Miền Nam) để báo cáo tình hình sau chuyến công tác ở Paris về vào đầu năm 1969. Sau buổi làm việc, ông Phú được ăn cơm cùng Bác Hồ. Trong bữa ăn có một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được. Đó là khi xới cơm, ông Phú để rơi một ít cơm xuống bàn. Ông định nhặt mấy hạt cơm bỏ vào chén đựng xương, nhưng một tích tắc trước đó, Bác Hồ đã nhặt nó cho vào chén của Người và nói: “Cháu đừng bỏ những hạt cơm này, đây là mồ hôi nước mắt của bà con nông dân đấy”. Xúc động dâng trào, ông Phú chỉ biết nhìn Bác rồi khẽ gật đầu xin lỗi Người. Một chi tiết rất nhỏ nhưng lại là bài học sâu sắc về ý thức tiết kiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cho ông Phú. Bài học ấy, ông mang theo đến suốt đời và bây giờ, dẫu là chủ của một khu du lịch sinh thái 5 sao, nhưng ông luôn sống giản dị và tiết kiệm.

50 năm trôi qua, nhưng GS-TS Trình Quang Phú vẫn không thể nào quên lễ tang của Bác Hồ. Ngày Bác mất, ông Phú làm việc cho Thông tấn xã Việt Nam tại miền Bắc, có nhiệm vụ tường thuật lễ tang để đưa lên đài phát thanh giải phóng. Ông Phú nhớ lại: “Hà Nội những ngày đó, người kết thành đồng, thành biển, vắt từ các phố Hùng Vương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú đổ về Ba Đình viếng Bác. Trên Quảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969 chưa bao giờ đông đúc và tề chỉnh đến thế. Hơn 10 vạn người đại diện cho cả nước cùng đại biểu của gần 40 nước trên thế giới làm lễ truy điệu Bác. Niềm thương nhớ, nỗi xúc động thổn thức trên 10 vạn trái tim cùng bật lên một lúc. Cả quảng trường từ già đến trẻ, tất cả đều òa khóc. Trong giữa tiếng khóc đau thương, 10 vạn người đã cùng đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng giơ thẳng cánh tay 5 lần xin thề với anh linh của vị cha già dân tộc quyết làm tròn lời dạy của Người”.

Cho rằng học tập, làm theo Bác Hồ, không phải là tiêu chí A, tiêu chí B như một số nơi đặt ra; tất cả mọi việc đều phải gắn tình Bác, gương Bác, từ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm trang giấy để viết, ăn uống, tiệc tùng đến công việc cụ thể làm sao cho hiệu quả... Cho nên trong cuộc đời của mình, GS-TS Trình Quang Phú luôn sống giản dị, trọn một lòng hướng về quê hương, đất nước. Giữ trọng trách là Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, ông đã vận động quyên góp hàng chục tỉ đồng để xây nhà, trường học, hỗ trợ y tế cho người nghèo. Hàng năm, ông tổ chức trao học bổng cho hàng trăm sinh viên nghèo, tận tay trao hàng ngàn suất quà cho bà con nghèo mỗi khi Tết đến. Ông luôn tâm niệm: “Những điều mình làm được chỉ là rất nhỏ trong những lời Bác Hồ dặn. Học Bác, phải học hàng ngày và học đến suốt đời”.
                                                                                                                                                                                   Ánh Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây