Một mối tình trong lửa đạn chiến tranh

Thứ năm - 26/09/2019 21:47
gdongPhung
gdongPhung

Đó là chuyện tình của đôi cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Thị Diền và Đào Kim Phụng. Năm ấy, cái duyên trời định đã se họ thành vợ thành chồng từ chiến trường miền Tây Phú Yên. Hai người đến với nhau không chỉ vì tình yêu nam nữ mà còn xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội. Và bây giờ ông bà đang có cuộc sống tuổi già hạnh phúc ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa.

Đã ở tuổi lục tuần nhưng ông Phụng vẫn còn nhanh nhẹn và giữ được vóc dáng rắn chắc. Trong ký ức của ông, những kỷ niệm về một thời đạn bom, vận chuyển hàng chi viện về căn cứ Phú Yên vẫn luôn sống động.

Nhiều lần thoát chết vì đạn bom

Mùa hè năm 1970, cô gái quê thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng Trần Thị Diền vừa tròn 16 tuổi, theo con em liệt sĩ lên khu căn cứ (thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) dự lễ kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Dự lễ xong, lòng thấy lưu luyến bởi tình anh em, đồng chí quý mến, nhiệt tình vui vẻ nên Diền quyết định ở lại. Là con gái một của gia đình nhưng Diền đã thuyết phục ba má đồng ý cho cô tham gia vào đơn vị TNXP phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Tây Phú Yên.

Cũng năm đó, ông Đào Kim Phụng (19 tuổi) ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã gác bút nghiên khăn gói lên đường, tham gia vào đội TNXP trực thuộc ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên. Ông Phụng phụ trách đoàn mã tải (ngựa thồ) có nhiệm vụ tải gạo, súng đạn, thuốc men… từ kho Quân khu 5 ở Quảng Ngãi về kho Suối Ché (Tân Lương, Sơn Hòa).

Ông Phụng kể: Mỗi lần đoàn vận chuyển hàng hóa phải mất cả tháng (15 ngày đi và 15 ngày về). Mặc dù hành trình rất cực khổ và nguy hiểm bởi trên đầu là bom đạn của địch luôn gầm réo, dưới chân là rắn, rết, vắt, muỗi rừng… nhưng khi được tổ chức báo lệnh lên đường, anh em rất hăng hái vì được làm nhiệm vụ.

“Vào năm 1971, khi đoàn mã tải đi đến khẩu An Định (huyện Tuy An) vừa qua đoạn đường xe lửa thì bị địch phục kích. May nhờ các chiến sĩ thuộc Huyện đội Tuy An kịp thời bắn trả, địch không dám đánh mạnh nên chuyến đi đó mới được an toàn, đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đó, năm 1972, đoàn nhận nhiệm vụ ra khẩu An Định mua lương thực, thực phẩm cũng bị địch phục kích. Huyện đội bắn phản công. Địch rút. Đoàn tiếp tục lên đường. Trong lúc hai bên bắn nhau, đồng chí Nguyễn Văn Tý bị thương ở chân, còn đồng chí Võ Thị Ái Liên bị thương ở tay. Đồng đội đã dìu hai người đến khẩu An Định để băng bó vết thương. Nhưng khi đến nơi, địch phát hiện và bao vây. Mọi người phải nằm lại 3 ngày chờ địch rút mới vận chuyển hàng về khu căn cứ. Còn hai đồng chí Liên và Tý vì vết thương bị nhiễm trùng nên chuyển qua khẩu Mỹ Long (An Dân, Tuy An) điều trị”, ông Phụng nhớ lại.

Còn bà Diền kể: Năm 1971, tôi nhập đoàn đi đến khẩu An Dân (Tuy An) để mua hàng nhưng mới đến suối An Chấn thì địch phát hiện bắn bị thương ở cả hai tay. Đồng đội dìu tôi về trạm y tế của đơn vị điều trị. Đầu năm 1972, trong một lần đi vận tải thì gặp máy bay địch, tưởng đâu sẽ không còn ai sống sót. Hôm đó, khoảng 6 giờ sáng, cả đoàn gồm 9 người đi đến Động Tranh để vận chuyển đạn về căn cứ. Nhưng khi gần đến nơi, anh em đang ngồi nghỉ giải lao thì máy bay cào cào của địch bay ngang qua phát hiện và bắn rốc két xối xả. Chúng tôi liền tản ra nằm, trườn, bò lên núi để thoát hiểm. Đến khi máy bay địch rút đi, trưởng đoàn mới ra hiệu tập hợp để kiểm tra có ai bị thương hay hy sinh nhưng may mắn tất cả đều an toàn. Chỉ có tư trang hành lý hầu như hư hỏng hết. “Tháng 4/1972, đoàn nhận nhiệm vụ đi khẩu Hòa Quang mua hàng hóa thì bị lính Đại Hàn ở xóm Ba phát hiện, nổ súng bao vây. Cả đoàn tìm cách thoát về căn cứ ở mương Suối 1 (xã Hòa Quang). Nằm chờ đến hai ngày sau, khi địch rút, đoàn mới tiếp tục lên đường. Chuyến đi này, đồng chí Náp, người dân tộc thiểu số ở Huyện đội Tuy Hòa 2 hy sinh. Ai cũng tiếc thương”, bà Diền bùi ngùi nhớ lại.

Tiếng sét… ái tình

Mặc dù cùng chung một đơn vị vận tải, nhưng ông Phụng và bà Diền người nào cũng lo công tác nên chưa có cơ hội gặp nhau. Mãi đến năm 1973, ông Phụng chuyển lên trạm A3 để vận chuyển gỗ mun ra miền Bắc xây lăng Bác, bà Diền lên Đắk Lắk nhận hàng chi viện về Phú Yên thì hai người mới có dịp làm quen rồi có tình cảm với nhau. “Lần đầu chạm mặt nhau tôi như thấy mình thuộc về anh ấy và ngược lại. Và rồi việc gì đến… đã đến”, bà Diền ngại ngùng nói.

Theo thời gian, tình cảm hai người ngày càng mặn nồng và cả đơn vị ai cũng biết nên bà Diền, ông Phụng báo cáo với tổ chức. Tháng 10/1974, đám cưới của ông bà được đơn vị TNXP tổ chức ngay giữa mặt trận. Không có người thân bên cạnh, ông Phụng nhờ người dượng đang công tác bên bộ phận tài mậu, đóng ở Suối Ché đại diện bên nhà trai. Còn bà Diền được em họ là Phan Đình Phương đại diện cho họ nhà gái. “Đơn vị TNXP tặng 1 con heo. Các đồng chí hậu cần kiếm được một ít bánh kẹo, thuốc lá… Đám cưới chiến trường giản dị, chỉ có tiếng vỗ tay, chúc phúc của các đồng chí, đồng đội nhưng rất ấm cúng, tình cảm lạ kỳ”, bà Diền bồi hồi nhớ lại.

Sau đám cưới, ông bà vẫn tiếp tục công tác trong lực lượng TNXP Phú Yên. Tháng 4/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Phụng về làm cán bộ vật tư Công ty Cầu đường Phú Yên đến năm 1993 nghỉ hưu. Từ năm 2011, ông Phụng được bầu làm Chủ tịch Hội TNXP huyện Phú Hòa cho đến nay. Còn vợ ông sau khi sinh con đầu lòng 8 tháng thì được biệt phái về làm cán bộ tổ ủy thác của HTX Mua bán xã Hòa Thắng, đến năm 1986 nghỉ mất sức. Sau đó, bà Diền được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Mỹ Hòa một thời gian dài.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Phụng và bà Diền vẫn sống thủy chung và có bốn mặt con. Tất cả đều đã trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Bà Diền cười hiền: “Mỗi khi đi đâu về, ông ấy không thấy tôi thì đi tìm liền. Còn lúc trời trở gió, vết thương đau nhức, có ông ấy bên cạnh chăm sóc tôi cũng thấy ấm lòng”.

Còn sức là còn… xung phong

Vì bận công việc ở Hội Cựu TNXP nên rất ít khi ông Phụng có mặt ở nhà. Ông không nói nhiều về bản thân mình nhưng những việc ông làm được cho Hội thì nhiều người luôn nhớ. Với trách nhiệm Chủ tịch Hội TNXP huyện Phú Hòa, ông sống gần gũi, vận động tinh thần, chia sẻ những khó khăn với hội viên của mình. Hội Cựu TNXP huyện Phú Hòa hiện có 96 người, trong đó có đến 52 người là thương bệnh binh. Các hội viên đau bệnh, hoàn cảnh khó khăn đều được ban chấp hành Hội cử người đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Những người quá cố đều được Hội cùng gia đình tổ chức mai táng chu đáo, đậm tình đồng đội.

“Theo tôi, tuổi cao hay vị trí công tác không phải là rào cản của sự cống hiến. Chỉ cần việc có ích cho xã hội, cho cộng đồng thì mình nên nỗ lực làm. Là đảng viên, từng là cán bộ thì càng phải ý thức rõ điều này. Và một khi đã xác định làm thì phải làm nghiêm túc, làm cho tốt, còn sức là còn cống hiến, xung phong đi đầu”, ông Phụng chia sẻ.

Cái duyên vợ chồng từ chuyến đi công tác trong những ngày quê hương còn ngập tràn khói lửa đạn bom đã gắn kết hai trái tim cùng chung chí hướng vượt qua những gian lao, thử thách để cập bến hạnh phúc hôm nay. Ngôi nhà nhỏ ở thôn Mỹ Hòa tràn ngập tiếng trẻ ngày nào giờ chỉ còn lại hai ông bà hàng ngày quấn quýt bên nhau, tình tứ như thuở nào. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm xưa, vợ chồng cựu TNXP Trần Thị Diền và Đào Kim Phụng không khỏi tự hào bởi họ đã có một tình yêu bền chặt, thủy chung.
                                                                                                                                                                                                       STTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây