Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2019

Thứ sáu - 05/04/2019 00:01
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2019. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bác Hồ viết Di chúc - văn kiện lịch sử vô giá

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống no ấm hạnh phúc của nhân dân. Người để lại cho cho Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc thiêng liêng, mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn ghi nhớ, học tập và làm theo.

Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Đây là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; của tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn quý báu, là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với các dân tộc đã và đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.

Theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10-5-1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13-5-1965), cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14-5-1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt, qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19-5-1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 02-9-1969). Di chúc và toàn bộ tư tưởng của Bác là tài sản vô giá để lại cho Đảng và nhân dân ta.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra hết sức ác liệt và có những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đồng thời đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người đã dẫn dắt Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Bác đặc biệt quan tâm căn dặn: “Trước hết nói về Đảng”. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người tâm huyết nhắc nhở các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trong Di chúc, Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài…” và “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Người cũng thường căn dặn và mong muốn, sau khi chiến tranh kết thúc, cần ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đối với đoàn viên, thanh niên, trong Di chúc Bác chỉ rõ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Bác đối với việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác căn dặn và nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Bác đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta. Với tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trong Di chúc, Bác đưa ra lời tiên đoán có tính chất khẳng định, như một tất yếu của lịch sử: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài. Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” và “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”.

Trong Di chúc, Bác viết: “… Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, trong Di chúc Bác không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói “về việc riêng”, bởi suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì nước, vì Đảng, nên không lúc nào Bác nghĩ đến bản thân mình. Trước lúc đi xa, Người “không có điều gì phải hối hận” vì Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết sức, hết lòng. Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Mỗi dòng, mỗi điều Bác Hồ viết và để lại trong Di chúc là chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Thế mà Bác chỉ coi đó là “để sẵn mấy lời” trước khi đi xa. Nhưng đó là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đó cũng là niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cho đến những ngày cuối đời, Bác vẫn ấp ủ ước mơ, khát khao cháy bỏng đưa đất nước ta tiến lên "Sánh vai cùng năm châu bốn biển". Và điều mong muốn cuối cùng của Bác, cũng là những dòng cuối cùng Người viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Theo Báo Quân đội Nhân dân điện tử
 

THEO DÒNG LỊCH SỬ

Những ngày đáng nhớ trong tháng 4:
-------
- 01/4/1975: Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên
- Mồng 10 tháng 3 âm lịch (14/4/2019): Ngày giỗ Tổ Hùng Vương
- 07/4/1907: Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn
- 25/4/1976: Ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước
- 22/4/1870: Ngày sinh Vladimir Ilyich Lênin
- 30/4/1975: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
 
PHÚ YÊN VÀ CÁC TỈNH NAM TRUNG BỘ ỔN ĐỊNH VÙNG GIẢI PHÓNG PHỤC VỤ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Mở màn chiến dịch mùa xuân năm 1975, quân, dân Tây Nguyên và các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tổng tấn công và nổi dậy, trong vòng 45 ngày giải phóng 18 tỉnh và 2 thành phố (Huế, Đà Nẵng) với gần chục triệu dân. Quân và dân ta đã chiến đấu rất anh dũng, có kỷ luật cao, phối hợp đòn tấn công quân sự với phong trào nhân dân nổi dậy nhanh chóng đánh sụp quân địch, bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhân dân vô cùng phấn khởi, hoan nghênh quân giải phóng, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự, đảm bảo sinh hoạt bình thường. Cả binh sĩ chế độ Sài Gòn và gia đình họ cũng vui mừng thoát chết, và được sum họp lại.
 Giải phóng đến đâu, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Ủy ban quân quản và các đoàn thể nhân dân động viên và tổ chức nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống, giữ vững sản xuất để bộ đội tiếp tục tiến vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
 
Phú Yên vừa giải phóng được 2 ngày, ngày 3/4/1975, Ban Thường vụ Khu ủy khu 5 gửi công điện yêu cầu Tỉnh ủy Phú Yên huy động lực lượng tổ chức các trạm đón tiếp các binh đoàn chủ lực hành quân qua Phú Yên vào giải phóng Sài Gòn.
 Theo yêu cầu của Quân khu 5, Tỉnh ủy và UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên nhanh chóng tổ chức trong ngày 4/4/1975 các trạm đón tiếp dọc theo tuyến đèo Cù Mông (quốc lộ 1) và Mục Thịnh (tỉnh lộ 6), đồng thời tổ chức các điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực ở Xuân Thọ (Sông Cầu), An Hòa, An Mỹ (Tuy An); Hòa Vinh, Hòa Xuân (Tuy Hòa).
 
Phú Yên lập 2 trạm sửa chữa ô tô phục vụ các binh đoàn chủ lực ở TX Tuy Hòa và thị trấn Phú Lâm. Ngoài ra, tỉnh còn lập 7 trạm khác dọc tuyến quốc lộ 1 để phục vụ bộ đội. Tỉnh ủy và UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên huy động cán bộ các ngành, đoàn thể như y tế, tài chính, lương thực, thương nghiệp, vật tư, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… phục vụ ở các trạm đón tiếp.

Cùng với lực lượng trên, Tỉnh đội Phú Yên huy động xe quân sự, xăng dầu, lương thực, thực phẩm để phục vụ trực tiếp các binh đoàn chủ lực đang ngày đêm hành quân thần tốc qua Phú Yên để tiến về Sài Gòn.

Hàng vạn nhân dân hăng hái tham gia sửa đường, bắc cầu, ủng hộ bộ đội cấp tốc hành quân; đồng bào dân tộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trong thời gian ngắn đã làm con đường cắt qua núi đảm bảo Sư đoàn 10 hành quân cơ giới vào Nam qua đường 11 và 20 kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn 3 Quân khu 5 từ Bình Định chuyển nhanh vào mặt trận Phan Rang bằng ô tô vận tải của nhân dân. Vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, phương tiện vận tải dành ưu tiên cho các binh đoàn của cánh quân Duyên Hải trên đường vào Nam. Trên 200 xe của Quân khu 5, 1.800 chuyến xe của nhân dân, 400 xe chiến lợi phẩm vận chuyển nhiều đơn vị quân chủ lực đưa vào Nam. Nhiều thương binh từ các mặt trận phía nam chuyển ra được nhân dân tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng. Sở Địa dư Đà Lạt in ngay một khối lượng lớn bản đồ, cờ ảnh, phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau giải phóng tỉnh Ninh Thuận, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tham gia vào đội hình Quân đoàn 2, Lữ đoàn 52 tham gia đội hình Quân đoàn 4 lập công xuất sắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.

Hoàn cảnh chiến sự đang diễn biến phức tạp. Ở vùng mới giải phóng, đồng bào bị thương, bị đói, bị địch hù dọa, kéo chạy, bỏ nhà cửa, được chính quyền cách mạng địa phương và bộ đội tận tình giúp đỡ. Thời gian ngắn sau giải phóng, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, các đoàn thể nhân dân đã vận động cứu tế, cứu đói trên 15 vạn đồng bào, giúp đỡ trên 1 triệu người trở về quê cũ và về nông thôn sản xuất, che dựng chòi trại, có nơi ăn, chốn ở. Điện nước, bệnh viện, trường học, chợ và cửa hàng ở thành phố, thị xã và vùng mới giải phóng hoạt động bình thường. Từ đồng bằng đến miền núi, đồng bào tự do đi lại ngày đêm an toàn hơn bất cứ lúc nào trước đó, lưu thông, buôn bán, giá cả ổn định, tài sản của mọi người đều được bảo vệ.

Gần 40 vạn binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên chế độ Sài Gòn cũ chỉ cần đến các phòng ghi tên, giao nộp vũ khí rồi trở về nhà làm ăn, đi lại bình thường, không phân biệt đối xử, những người có chuyên môn, kỹ thuật vẫn tiếp tục làm việc, một số rất ít cá biệt phải tập trung học tập cải tạo là do yêu cầu bảo đảm an ninh trước mắt. Mọi kỳ thị giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa vùng này với vùng khác hầu như không còn nữa.

Mở đầu chiến dịch mùa xuân năm 1975, các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Trung Bộ phối hợp với bộ đội chủ lực của bộ đã lập công xuất sắc, chiến thắng vẻ vang. Trong vòng 45 ngày đánh sụp 2 vùng chiến thuật, 1/3 lực lượng địch ở miền Nam. Đánh thắng trận then chốt, tiêu diệt địch, giải phóng TX Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk là đòn sấm sét làm rung chuyển địch không chỉ ở Tây Nguyên từ Quảng Đức đến Kon Tum và tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch từ Tây Nguyên rút xuống đồng bằng ven biển đã làm thay đổi quan trọng lực lượng so sánh giữa ta và địch, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược ở toàn miền Nam. Ở đây, cùng với vai trò tấn công và nổi dậy to lớn của quân và dân địa phương, nổi lên vai trò quyết định của các quả đấm chủ lực.

Đồng thời với cuộc tấn công và nổi dậy ở Tây Nguyên, cuộc tấn công và nổi dậy ở các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, nhất là đòn tấn công và nổi dậy đánh sụp khu căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, đã nhanh chóng làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch, góp phần quyết định sự thất bại hoàn toàn không thể tránh khỏi của địch.
 Cuộc tấn công và nổi dậy giải phóng Khu 6, đánh sụp tuyến phòng thủ từ xa của địch tại Phan Rang làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch ở đây đã góp phần đẩy nhanh tốc độ sụp đổ hoàn toàn của địch.
 
Chiến thắng rực rỡ mùa xuân năm 1975 ở Nam Trung Bộ nói lên tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao của quân và dân ta, sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quyết định đúng đắn thời cơ chiến lược, chọn đúng hướng tấn công chiến lược phối hợp chặt chẽ đòn tấn công quân sự, nhất là quả đấm chủ lực mạnh với phong trào nhân dân nổi dậy.

Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ vừa được giải phóng đã tạo bàn đạp vững chắc cho bộ đội chủ lực hành quân thần tốc vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân dân Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ đã chi viện đắc lực sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.   
Nguồn tin: Báo Phú Yên
 
Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Lịch sử dựng nước vua Hùng đã được con cháu đời đời nhớ ơn. Để truyền lại cho con cháu đời đời biết được công lao to lớn của vua Hùng đã kiên cường dựng nước và giữ nước như thế nào, ý nghĩa ngày giỗ tổ hùng vương ra sao thì các nhà thơ, nhà văn đã làm lên một bài cao dao ăn sâu vào lòng người:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
         
Những câu ca dao mang đậm tính nhân văn và nhớ nhở đời đời con cháu nhớ đến ngày giỗ tổ hùng vương dù có bận điều gì cũng phải nhớ về ngày lễ đó. Từ xưa đến nay, Đền Hùng là nơi đã từng sinh ra những người con anh hùng, là cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là một biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, ăn sâu vào tâm trí con người Việt Nam.
         
Theo truyền thuyết kể lại rằng: Mẹ Âu Cơ và Người Cha Lạc Long Quân được coi như Thủy Tổ của dân tộc ta, là người đã sinh ra các vị Vua Hùng đáng kính. Bởi vậy lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
          
Hằng năm, cứ vào ngày 10/03 âm lịch tại Đền Hùng- Việt Trì – Phú Thọ là toàn thể quần chúng nhân dân hướng về cội nguồn để cùng tham gia các lễ hội như rước kiệu và dâng hương lên các vị Vua Hùng. Trước đó khoảng một tuần, là diễn ra các lễ hội văn hoá dân gian theo truyền thống từ xa xưa để lại. Những người con của dân tộc thường đến thờ cũng tổ tiên trước ngày 10/03 để tránh sự chen lấn vào ngày lễ chính.
         
Trong tâm trí của người Việt thì ngày Giỗ tổ Hùng Vương luôn chiếm giữ một ý nghĩa đặc biệt, hơn thế nữa, cứ vào ngày lễ này, nhà nước đều cho phép mọi người nghỉ lễ giỗ tổ hùng vương 3-4 ngày để hướng về cội nguồn. Vào năm 1470 ở đời vua Lê Thánh Tông và năm 1601 đời vua Lê Kính Tông năm có sao chép và đóng dấu kiềm Bản ngọc phả để tại Đền Hùng, trong đó có nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
         
Từ đó, có thể thấy rằng từ thời Hậu Lê trở về trước thì Đền Hùng được quản lý, sửa chữa, trông nom, cúng bãi đều là do người dân sở tại và họ được miễn nộp sưu thuế ruộng. Trước đây, ngày Quốc giỗ định kỳ được chọn vào mùa thu. Đến năm 1917 vào đời nhà Nguyễn, Tuần phủ Lê Trung Ngọc đã có công văn trình bộ Lễ và ấn định hằng năm ngày 10 tháng 3 âm lịch sẽ là ngày Quốc giỗ các Vua Hùng. Kể từ ngày đó đến nay, ngày 10/03 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức hóa bằng luật pháp.
         
Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm tới Đền Hùng từ Sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Thừa kế truyền thống và nghĩa cử cao đẹp của cha ông ta, đặc biệt là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL – CTN ngay sau cách mạng thành công, ngày 18 tháng 2 năm 1946 bắt đầu chính thức cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch để tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng tâm về cội nguồn của dân tộc.
Vào ngày Giỗ Tổ năm 1946 (năm Bính Tuất) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
         
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
         
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
         
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nguồn: Công đoàn Viên chức Việt Nam
 
   

 

 CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30/4/1975 - BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
           
Chỉ tính riêng kết quả thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 26/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương thuộc Quân khu 3 ngụy Sài Gòn, lực lượng của quân khu 1 và 2 của địch chạy về cố thủ và chi viện cho các đơn vị ở Sài Gòn - Gia Định,… giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, góp phần quyết định vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
           
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta đã giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng; giải quyết thành công nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và phương pháp cách mạng, về phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự trong chiến tranh giải phóng dân tộc; Đảng đã phát huy cao độ trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh để đánh thắng chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc,…       
         
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 có giá trị, ý nghĩa lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đây, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi sự chia cắt giữa 2 miền đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã đưa Việt Nam từ một đất nước bị nước ngoài xâm chiếm, từ một dân tộc bị nô lệ, đã đứng lên giành lại nền độc lập sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được pháp lý quốc tế thừa nhận, tôn trọng.
         
Đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã thức tỉnh, cổ vũ hàng trăm triệu người đứng lên dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến vào quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân.      
         
Chiến thắng 30/4/1975, cũng chính là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương hướng cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.        
         
Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4/1975, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần ra sức phấn đấu, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lao động, học tập và công tác một cách khoa học, sáng tạo, có chất lượng, hiệu quả cao, cùng chung tay góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong Di chúc mà người để lại./
Nguồn: Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng
 
25/4/1976: NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC  

< >Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 25-4-1976[1]. Chủ tịch đề nghị các đại biểu Quốc hội phải hết sức cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu để đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cả nước.

Thay mặt Hội đồng bầu cử toàn quốc, Chủ tịch Trường Chinh đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước ngày 25-4-1976. Theo báo cáo, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình đất nước đã hoà bình. Nhân dân cả nước bước vào Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được. Kinh nghiệm bầu cử Quốc hội do nhân dân ta tích luỹ trong mấy chục năm đã phát huy tác dụng tốt đối với cuộc Tổng tuyển cử lần này.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, công tác tuyên truyền, vận động không những được tiến hành thông qua các cuộc học tập, thảo luận, mà còn được đẩy mạnh qua các công tác quan trọng khác như điều tra dân số, lập danh sách cử tri, trao đổi ý kiến về danh sách ứng cử viên...

Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, cùng với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Phấn khởi, tự hào trước thành công rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 và chào mừng kỳ họp đầu tiên của khoá Quốc hội có ý nghĩa lịch sử mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội do ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội dẫn đầu đến chào mừng các vị đại biểu, những người con ưu tú của Tổ quốc Việt Nam vừa được cử tri cả nước bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình đối với cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, nhân dân Hà Nội hứa với Đảng, với Quốc hội “quyết tâm đem hết tinh thần và nghị lực thực hiện thống nhất tư tưởng, tình cảm, thống nhất ý chí, quyết tâm, thống nhất hành động cùng với đồng bào cả nước ra sức bảo vệ đất nước và đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện mong ước thiêng liêng của Bác Hồ vĩ đại”[2].

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo chính trị Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa. Báo cáo nêu rõ: Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VI là kỳ họp hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị của nước Việt Nam, mở ra một giai đoạn nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng trên Tổ quốc ta một xã hội đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến lên từng bước để thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[3]

Xuất phát từ tình hình mới của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Kết luận báo cáo, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã long trọng thưa với Quốc hội: Lịch sử dân tộc đã chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại. “Để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới, Đảng Lao động Việt Nam xin hứa với Quốc hội, với quốc dân đồng bào sẽ nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[4]

[1] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tậpSđd, t. 5, tr. 6-7.

[2] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tậpSđd, t. 5, tr. 24.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 614. 

[4] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tậpSđd, t. 5, tr. 67.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam
   
VĂN BẢN MỚI 2019
 
< >KẾT LUẬN CỦA BCH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN:KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ
BCH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN KHÓA XI VỀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN TRÊN ĐỊA BÀN DÂN CƯ, GIAI ĐOẠN 2019-2022
Đường link: http://doanthanhnien.vn/Content/uploads/KL08.PDF
Nguồn: Trung ương Đoàn

2. QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2019

Quy chế tuyển sinh đại học 2019 đã chính thức được ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 15/04/2019. Theo Quy chế này, từ năm nay, ngoài ngành sư phạm thì ngành y cũng sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tức điểm sàn.

Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong hạn quy định. Quá thời hạn, thí sinh không xác nhận nhập học được xem là từ chối nhập học và trường xét tuyển thí sinh khác.

Thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
 
Nguồn: Luật Việt Nam

3. TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ, NHÀ Ở: TÁC ĐỘNG TỚI LỢI ÍCH
CỦA TỪNG NGƯỜI DÂN

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của từng người dân, từng gia đình trong thời gian tới.

Tất cả người dân đều được tính đến để không ai bị bỏ lại phía sau

Nhận định về tình hình biến động dân số và nhà ở toàn quốc trong 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng: Cuộc sống luôn biến động và công tác dân số cũng như vậy. So với Tổng điều tra dân số năm 2009 (TĐT 2009), 10 năm trôi qua với sự phát triển rất nhanh của KTXH đất nước, dân số nước ta cũng thay đổi rất nhiều cả về số lượng, cơ cấu, cả về phân bổ… Chính vì vậy, việc tiến hành TĐT 2019 có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối công tác dân số nói chung, mà còn tác động tới lợi ích sát sườn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng: Việc Tổng điều tra dân số và nhà ở vừa là hoạt động mang tính vĩ mô, vừa liên quan đến lợi ích của từng người dân cụ thể. Dẫn thông điệp của Liên Hợp Quốc là “Tất cả mọi người đều được tính đến”, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh rằng: Cuộc TĐT của chúng ta như là một cơ hội để “Tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển KTXH đồng thời được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển KTXH của đất nước, để cho không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Tân lý giải, có TĐT chúng ta mới đánh giá được diễn biến dân số trong thời gian qua, qua đó xác định chúng ta có thực hiện đúng chiến lược dân số hay không. Kết quả này không chỉ giúp chúng ta giám sát quá trình thực hiện, mà còn giúp chúng ta dự báo được sự phát triển dân số trong những năm tới. Trên cơ sở đó để hoạch định chính sách phát triển dân số nói chung và xây dựng những chính sách cụ thể tác động đến từng người dân.

Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề mức sinh, ông Tân nêu vấn đề “chúng ta sẽ điều chỉnh mức sinh như thế nào? Và cho biết, về chính sách, trước đây chúng ta siết khá chặt nhằm giảm mức sinh. Nhưng vừa rồi (theo Nghị quyết 21 năm 2017) Đảng đã khẳng định là duy trì mức sinh thay thế. Như vậy những quy định về hạn chế mức sinh chắc chắn sẽ phải thay đổi và điều này sẽ tác động tới từng gia đình, từng cặp vợ chồng, từng người dân cụ thể.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Tân, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhấn mạnh thêm rằng: Cuộc TĐT 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đánh giá chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011-2020 và đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 5 năm, đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển KTXH của giai đoạn tới (2021-2030), đặc biệt là xây dựng kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.

Kết quả TĐT 2019 cũng là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có những chỉ tiêu như: Làm thế nào để giữ được mức sinh tự nhiên, mức sinh thay thế; hay giảm mức sinh chênh lệnh giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng núi với vùng đồng bằng.

Bên cạnh đó, kết quả cuộc TĐT này còn liên quan tới việc đánh giá kết quả thực hiện những chỉ tiêu mà chúng ta đã cam kết với Liên Hợp Quốc về sự phát triển bền vững. Bởi nếu chúng ta thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển bền vững sẽ tác động tới cuộc sống của từng người dân. Ví như chỉ tiêu mà chúng ta đã cam kết là: Tất cả mọi người đều được hưởng hạnh phúc, đều được hưởng hòa bình, không ai bị đói nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau… Cho nên thông tin của cuộc TĐT 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng cả ở tầm vĩ mô, cả ở tầm vi mô với từng người dân, từng gia đình.

Cuộc tổng điều tra lớn nhất từ trước đến nay

Thông tin thêm về công tác chuẩn bị TĐT 2019, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là cuộc Tổng điều tra lớn nhất từ trước đến nay. Theo ông, ngành thống kê có 3 loại tổng điều tra (gổm Tổng điều tra kinh tế; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp thủy sản; Tổng điều tra dân số), trong đó, Tổng điều tra dân số được thực hiện 10 năm 1 lần. Cuộc tổng điều tra dân số lần này là cuộc tổng điều tra lớn nhất so với những lần tổng điều tra trước đây cả về mặt quy mô lẫn ứng dụng phương pháp thực hiện. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Tổng cục Thống kê đã chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo cho cuộc Tổng điều tra dân số nhà ở 2019, đặc biệt là trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo thành công cuộc tổng điều tra này. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Thứ hai, Tổng cục xác định phương pháp luận theo các chuẩn quốc tế để áp dụng vào cuộc tổng điều tra lần này.

Thứ ba là xác định cách chọn mẫu để vừa đảm bảo suy rộng được kết quả của các chỉ tiêu, đồng thời phù hợp với mức kinh phí dành cho tổng điều tra.

Thứ tư, là cài đặt những thông tin để tính toán, đánh giá các chỉ tiêu để phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Đặc biệt, là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm nâng cao chất lượng thông tin./.
Nguồn: Tạp chí của Tuyên giáo Trung ương
 
 KỸ NĂNG THANH NIÊN

1. Chuẩn bị

Nếu bạn sắp có một lớp học online hay tại trường, bạn hãy nghiên cứu tìm hiểu trước chương trình học tập của bạn để bạn biết điều gì sẽ xảy ra. Tham gia vào công việc chuẩn bị cần thiết như tải phần mềm, sách bài tập hoặc dành thời gian cho khóa học.

2. Học kỹ năng tổ chức 

Nếu bạn là một người có thói quen ghi chú lên máy tính, hãy chắc chắn rằng bạn lưu các thư mục một cách hệ thống và bạn sẽ tìm được thư mục đó ngay khi bạn cần đến nó. Học cách tổ chức máy tính sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và đỡ đau đầu. Nếu bạn là người thích ghi chú vào cuốn sổ tay, hãy dán các chú thích từng chương (bằng giấy sticker chẳng hạn) để bạn có thể ôn tập chúng sau đó.

3. Đúng giờ 

Nếu bạn tham gia một lớp học trực tuyến ( được thực hiện thông qua máy tính), bạn hãy online trước khi lớp học diễn ra 5 phút. Dọn dẹp sạch sẽ bàn của bạn, chuẩn bị sẵn cây bút, cuốn vở và các thư mục cần thiết cho buổi học. Đối với các lớp học trực tiếp tại trường, bạn hãy tham dự lớp học một cách đầy đủ, tập trung vào bài giảng.

4. Ghi chép một cách hiệu quả 

Nếu bạn không thể vừa nghe, vừa ghi bài cùng một lúc, hãy lắng nghe kỹ và ghi vào vở sau khi lớp học kết thúc. Nếu bạn có thể ghi âm lại bài giảng, bạn có thể vừa ôn lại bài học, vừa ghi chép lại một cách đầy đủ. Bạn cũng có thể hỏi giáo viên về dàn bài tóm tắt. Đừng quên ôn lại bài một lần nữa trước khi đến lớp nhé.

5. Thiết lập cách học tập của riêng bạn 

Đâu là phương pháp học tập giúp bạn học tập tốt hơn: bằng tai (lắng nghe), bằng mắt (đọc), hay bằng tay (khi bạn thực hành)? Khi bạn biết mình dễ tiếp thu khi học theo kiểu nào, hãy áp dụng cách đó để học tốt hơn. Ví dụ: những người học bằng tai thường giữ những đĩa CD trong xe hơi của họ và bật nó để nghe khi đang kẹt xe để giết thời gian một cách hiệu quả. Những người học bằng mắt thường giữ bên mình những cuốn sổ tay nhỏ để ghi chép và đọc nó khi họ đi có thời gian. Khi bạn học, không gian yên tĩnh hay nghe nhạc thì bạn dễ học hơn? Biết được điểm mạnh của mình sẽ giúp bạn học tập một cách hiệu quả.

6. Đặt câu hỏi 

Cho dù bạn có đang tham gia một khóa học trực tuyến hay bạn học tại trường, hãy ghi lại những câu hỏi khi nó xuất hiện trong đầu và hỏi giáo viên ngay khi bạn có cơ hội. Nếu bạn cần làm rõ vấn đề, bạn không thể tiếp tục học mãi cho đến khi câu hỏi của bạn có lời giải đáp. Hầu hết giảng viên sẽ nhìn nhận những câu hỏi như là điểm đáng chú ý, một trí tuệ thông minh.

7. Hoàn thành các bài tập

Hãy hoàn thành tất cả bài tập được giao trước khi đến lớp. Nếu bạn đang đọc một cuốn sách kỹ năng mềm, hãy thực hành nó. Nếu bạn bỏ lỡ một bài giảng, hãy tìm cách để học lại bài giảng đó – ví dụ như từ một bạn khác hoặc hỏi lại giảng viên. Những lớp học trực tuyến thì thường có băng ghi âm ghi hình lại, bởi vậy hãy chắc chắn bạn đã xem lại đoạn ghi âm bài giảng nếu bạn không thể tham dự tiết học đó. 

Kết luận

Cuối cùng, chúng ta phải biết chọn lọc kiến thức để thu nạp, và cần phải phát triển thói quen học tập hiệu quả. Khi bạn biết được những thói quen nào giúp học hành tốt hơn, thì bạn sẽ học hỏi một cách hiệu quả hơn.
 
Nguồn: Nghethuatsong.com.vn
 

 ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 4/2019  
 
Tiếp tục thông tin, tuyên truyền công tác triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2019: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc phát huy dân chủ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi” cho cán bộ Đoàn; chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm” trong đoàn viên, thanh niên; gắn với các hoạt động trọng điểm theo chương trình “Tuổi trẻ Phú Yên nhớ lời Di chúc theo chân Bác” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, và sự nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; biểu dương, cổ vũ các gương và tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường tuyên truyền biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua và các lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh của tỉnh gắn với tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt các phong trào trong đoàn viên, thanh niên. Đẩy mạnh và duy trì đều đặn chuyên mục “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên Website hoặc Fanpage của đơn vị.

Tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo tỉnh; tiếp tục tuyên truyền về các chương trình hợp tác giữa tỉnh Phú Yên với các địa phương, doanh nghiệp của nước ngoài. Tiếp tục có các tin, bài tuyên truyền đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; nêu bật đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và giới thiệu những thành tựu của nước ta trong công tác tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, chính sách đối với người lao động, đối tượng chính sách.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác triển khai phòng chống dịch bệnh trên người, vật nuôi của các ngành chức năng trong tỉnh; nâng cao ý thức người dân, người chăn nuôi trong thực hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, tả lợn Châu Phi, nhiễm sán lợn. Tăng cường tuyên truyền công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, cứu nạn. Tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về chế độ thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, những thành tựu và tính ưu việt của các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội; các chính sách chăm lo cho thanh thiếu nhi; thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp;...gắn với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên và các hoạt động về nguồn, thăm hỏi tặng quà; kết quả các hoạt động, công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho địa phương, đơn vị theo chủ đề Năm Thanh niên tình nguyện 2019; các hoạt động chào mừng Đại hội Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024 và các Ngày lễ kỷ niệm của đất nước, dân tộc, của Đoàn - Hội - Đội trong tháng 4: 112 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4), Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), Ngày sách Việt Nam (21/4); Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Kỷ niệm 149 năm Ngày sinh VI.Lênin (22/4), 112 Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (22/4), 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (01/5).
         
Tuyên tuyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi do Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn tổ chức: Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” 2019 (http://anhsangsoiduong.vn/); Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019; Cuộc thi biển, đảo Việt Nam; Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam (http://ytuongsangtao.net/); cuộc thi “Ý tưởng sinh viên tình nguyện” trong sinh viên... Các thông tin được đăng tại Website Tỉnh Đoàn: https://tuoitrephuyen.vn/  và fanpage Tuổi trẻ Phú Yên.

Tải tại đây: /uploads/news/2019_04/tl-sinh-hoat-chi-doan-thang-4.2019.chinh.doc
 
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN PHÚ YÊN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây