Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020: Nên chọn ngành theo năng lực

Chủ nhật - 19/07/2020 21:24
Sáng ngày 19/7/2020, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn và Trường Đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức đã thu hút gần 2.000 học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham dự. Tại đây, gần 20 chuyên gia từ Bộ GD-ĐT và các trường đại học đã tư vấn sát sườn về việc chọn trường, chọn ngành cho thí sinh khi ngày thi tốt nghiệp THPT đang đến gần.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tư vấn cho các thí sinh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tư vấn cho các thí sinh.

Thời điểm này năm ngoái, kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc, nhưng năm nay do COVID-19 đã làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch thi cử, tuyển sinh. Chính vì vậy mà Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 tuy có muộn, song vẫn thu hút rất nhiều thí sinh trên địa bàn tỉnh tham gia.

Các ngành xã hội, kỹ thuật được nhiều thí sinh quan tâm

Mở đầu chương trình, ThS Hoàng Thúy Nga, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) thông tin, ngày 1/8 thí sinh sẽ nhận giấy báo dự thi, nếu có sai sót thì các em có thể liên hệ trường để điều chỉnh. Ngày 9-10/8, thí sinh thi tốt nghiệp THPT; dự kiến ngày 27/8, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT và sẽ công bố phổ điểm. Dựa vào đó, thí sinh cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Với phương thức trực tuyến, thí sinh dùng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển. Với phương thức điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm.

Sau khi được thông tin về các mốc thời gian quan trọng trong thi cử, xét tuyển, chương trình thực sự “nóng” lên khi có rất nhiều thí sinh xin được tư vấn trực tiếp bằng cách đặt câu hỏi cho các thành viên ban tư vấn. Em Phạm Lê Duy Tùng, Trường THPT Nguyễn Huệ hỏi: “Em dự định học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng không biết ngành này đào tạo thế nào và tương lai của ngành này ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho biết: Hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Phần lớn các trường đào tạo ngành này có chương trình đào tạo cơ bản giống nhau nhưng định hướng đầu ra của sinh viên ở mỗi trường có thể khác nhau. Riêng đối với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ngành này chỉ tuyển sinh tổ hợp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm; phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khỏe tốt để có thể làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh. Với những kiến thức được trang bị, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm các công việc: biên dịch viên, phiên dịch viên trong các công ty, cơ quan ngoại giao, cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế, xã hội của Việt Nam và quốc tế... TS Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh: “Học ngành Ngôn ngữ Anh sẽ không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, ngoài kiến thức được học, sinh viên cần phải tự trang bị thêm các kỹ năng mềm thì mới có thể dễ dàng nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi ra trường”. Liên quan đến khối ngành xã hội, rất nhiều câu hỏi về các ngành quan hệ công chúng, xã hội học… cũng được nhiều thí sinh quan tâm.

Tại chương trình tư vấn, có lẽ câu hỏi của em Hồ Đoàn Hoàng Minh, Trường THPT Nguyễn Huệ về việc con gái có học được khối ngành kỹ thuật hay không là thú vị nhất. Bởi đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh nữ yêu thích khối ngành kỹ thuật nhưng còn lăn tăn. Trả lời về câu hỏi này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Những năm gần đây, nữ sinh theo học khối ngành kỹ thuật ngày càng tăng và đều có việc làm. Việc học tập và làm việc đối với khối ngành kỹ thuật bây giờ đều bằng lập trình, máy móc nên dù nữ hay nam đều có thể học và làm tốt công việc. Trường còn giảm 50% học phí đối với nữ học các ngành kỹ thuật, đồng thời cam kết nếu sinh viên nữ học khối ngành kỹ thuật ra trường không có việc làm, trường sẽ hoàn trả học phí. Vì vậy, nếu các bạn nữ yêu thích khối ngành này thì hãy mạnh dạn đăng ký xét tuyển.

Đây là lời khuyên của nhiều chuyên gia tư vấn dành cho thí sinh khi có rất nhiều em băn khoăn về việc chọn ngành học theo năng lực hay sở thích. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Nếu bạn nào vẫn chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì nên lưu ý những điều sau: Trước hết là năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Các bạn thích một ngành nhưng ngành đó mình không với tới được vì điểm quá cao thì nên xem lại.

Nên chọn ngành theo năng lực

Đồng quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: “Khi xét tuyển, các trường đều dựa vào điểm số trong học bạ, điểm thi đánh giá năng lực hay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển chọn thí sinh chứ không dựa vào đam mê của thí sinh. Vì vậy, năng lực của các em tới đâu thì chọn ngành, chọn trường tới đó”.

Theo các chuyên gia, sau khi biết điểm, thí sinh thường có tâm lý vội thay đổi nguyện vọng, dựa trên mức điểm chuẩn của các năm trước, do đó gây ra những thay đổi lớn trong việc xét tuyển. Thực tế có nhiều thí sinh trượt oan vì thay đổi nguyện vọng không đúng. Các em lo lắng nguyện vọng 1 không đỗ, nên thay đổi đăng ký trường khác có mức điểm thấp hơn, nhưng khi biết điểm, thì các em lại đủ điểm vào trường mà mình đã thay đổi vì lo trượt. “Các em chỉ thay đổi khi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, nếu thấy không có khả năng thì mới đổi nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự, trong đó nguyện vọng 1 dành cho những trường/ngành có mức điểm cao hơn, nguyện vọng 2 cho trường/ngành ngang với mức điểm của bản thân và nguyện vọng tiếp theo cho các trường có mức điểm thấp hơn mức điểm của các em để chắc chắn đỗ”, TS Lê Thị Thanh Mai lưu ý.

Nếu bạn nào vẫn chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì nên lưu ý những điều sau: Trước hết là năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Các bạn thích một ngành nhưng ngành đó mình không với tới được vì điểm quá cao thì nên xem lại. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Thúy Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây