Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017): Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên

Thứ tư - 17/05/2017 22:37
Trong lịch sử, hiện tại và tương lai, ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước, thanh niên luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo giáo dục và rèn luyện thanh niên.
Bác Hồ nói chuyện với thanh niên.
Bác Hồ nói chuyện với thanh niên.

Nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (20/12/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra bốn lý do mà Người rất yêu mến thanh niên: “(1) Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng; (2) Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…; (3) Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc; (4) Trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lên án rất mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp đối với thanh niên ta. Người chỉ rõ, trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất “Thực dân Pháp bắt hàng vạn thanh niên ta đi lính thay cho chúng. Số đông thanh niên ấy có đi mà không có về”, cho đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai “Thực dân Pháp lại bắt thanh niên ta làm bia đỡ đạn cho chúng”(2). Đây được coi là “đòn” tố cáo sâu sắc, mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp đối với thanh niên ta. Vậy mà, trước cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào bị áp bức, bóc lột cùng cực, thanh niên ta vẫn còn thờ ơ với thời cuộc. Sự thờ ơ đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi”. Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Ngay từ rất sớm, khi truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên. Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm Tâm xã, hướng dẫn cho họ về phương pháp tổ chức và hoạt động; lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đích thân tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ; lựa chọn những thanh niên xuất sắc gửi đi đào tạo tiếp ở những trường huấn luyện của Quốc tế Cộng sản. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt rất nhiều niềm tin vào thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân - tức là một lực lượng to lớn. Vì vậy, “lực lượng lớn thì phải có nhiệm vụ lớn. Cho nên trong mọi công việc khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam…, trên các mặt trận đấu tranh để thống nhất nước nhà, toàn thể thanh niên gái và trai phải cố gắng nhiều nữa, tiến bộ hơn nữa, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên.Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên” (3).

Theo Bác, thanh niên cách mạng phải là người có cả “tài” và “đức”. Nói chuyện tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II (07/5/1958), Người khẳng định: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”(4). “Tài” ở đây chính là tài năng, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để mỗi thanh niên có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; người thanh niên có tài là người đem hết tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. “Đức” là đạo đức, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mĩ”; thanh niên có đức là người luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần sẵn sàng nhường bước, ủng hộ những người tài năng hơn mình để họ ra gánh vác việc nước, việc dân.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của thanh niên, mặc dù bận rộn việc nước, việc dân nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quan tâm, động viên thanh niên. Khi nhận được báo cáo thành tích của thanh niên công trường đá Sơn Tây, Người đã gửi thư khen “các cháu đã cố gắng tăng năng suất và tiết kiệm… Thế là tốt”(5). Người động viên thanh niên xung phong thực hành “đời sống mới”. Người cho rằng, thanh niên cần phải hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ; phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm; việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ; việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa. Chỉ có “thực hành đời sống mới, thanh niên mới trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(6).

Không chỉ đánh giá cao vai trò của thanh niên, dành nhiều lời ngợi khen để động viên thanh niên tích cực học tập và rèn luyện, hăng say lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của thanh niên như: “Tham ô, lãng phí”; “thấy khó khăn mà rụt rè, nóng ruột”; “chưa biết lịch sử, không học thời sự, mà về mặt chính trị cũng chưa cao lắm”; “làm việc gì cũng lo lắng, cũng cho công tác mình làm là không vẻ vang, tiền đồ không biết thế nào?”(7)... Để khắc phục những khuyết điểm, sửa chữa sai lầm, Người cho rằng thanh niên phải có quyết tâm, không ngại khó, tránh sốt ruột, chống bi quan; đồng thời phải củng cố tổ chức của Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên. Chỉ có như vậy, chúng ta nhất định vượt qua được khó khăn, sửa chữa được sai lầm, phát huy được thành tích. Tất cả thanh niên phải làm gương mẫu: "(1) Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi; (2) Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng; (3) Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt; (4) Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân... Thực hiện những điều đó thì sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình, sẽ tiến kịp thanh niên các nước bạn"(8).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan tâm, chăm lo giáo dục và rèn luyện thanh niên là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, trước hết là của Đảng, của Chính phủ và của tổ chức Đoàn. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Người căn dặn: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người đối với thanh niên vẫn còn nguyên giá trị, trường tồn cùng thời gian. Ngày nay, dưới tác động của những mặt trái kinh tế thị trường và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, có một bộ phận không nhỏ thanh niên ta có lối sống lệch lạc; thiếu lý tưởng và niềm tin; không chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có lối sống xa rời thực tiễn, thích sự nổi tiếng “ảo”; cá biệt có một số thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội… Những hậu quả này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường nhắc đến trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, người viết bài này cho rằng, trước hết thuộc về trách nhiệm của bản thân mỗi thanh niên. Xét cho cùng, lứa tuổi thanh niên không còn là “ăn chưa no, lo chưa tới”, mỗi người cần tự nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, cần nỗ lực học tập và rèn luyện, trang bị hành trang để bước vào đời, hướng tới vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Chỉ có như vậy, thanh niên ta mới xứng đáng với những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với sự hy sinh của các bậc cha anh đi trước, xứng đáng là “người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”./.

             ThS. Hoàng Thị Thu Hiền, ThS. Hà Công Hải

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.298-299.

(2, 3, 5; 7; 8) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 10, tr.433-434; tr.215; tr.189; tr.577; tr.439-440 .

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 11, tr.399.

            (6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.194.

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15; tr.616-617.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây