Học tập và làm theo gương Bác: Kinh nghiệm từ các địa phương

Chủ nhật - 09/04/2017 22:23
Mỗi địa phương, đơn vị có một cách làm riêng, sáng tạo để đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống. Theo kinh nghiệm của các địa phương, xây dựng kế hoạch càng cụ thể thì việc làm theo càng rõ hiệu quả và thiết thực hơn.

Phát huy vai trò nêu gương

Đồng chí Hà Văn Khoát, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, xác định trách nhiệm nêu gương với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là vấn đề quan trọng, cấp thiết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã sớm ban hành công văn hướng dẫn, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quy định 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời xây dựng Quy định về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Tỉnh ủy viên. Trong đó, tập trung nêu gương đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu, tình trạng "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; nêu gương về tính trung thực, tự giác xin thôi chức vụ đang đảm nhiệm nếu nhận thấy không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu…

 Đây là cơ sở để các cấp ủy trong toàn Đảng bộ cụ thể hóa, chỉ đạo cán bộ, đảng viên đăng ký nêu gương như: có kế hoạch, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác, tăng năng suất lao động; không sử dụng máy tính sai mục đích tại cơ quan, hạn chế gây phiền hà cơ sở; gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Qua đó, nhiều cán bộ chủ chốt trong tỉnh đã gương mẫu kiểm điểm, chỉ ra hạn chế của bản thân để cấp dưới và đảng viên, quần chúng noi theo. Nhờ chỉ đạo triển khai quyết liệt việc nêu gương nên cán bộ, đảng viên ở Bắc Kạn đã từng bước xây dựng lối sống, tác phong lao động, học tập và làm theo Bác, từng bước trở thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt đảng và chuyên môn ở mỗi đơn vị, địa phương.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo sát sao hơn việc thực hiện quy định nêu gương, nhất là với cán bộ chủ chốt. Đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là các gương điển hình thông qua việc làm cụ thể, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn Đảng và xã hội.

 

Truyền khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh

Năm 2013, ngoài việc chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh học tập, nghiên cứu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức đăng ký và thực hiện việc làm tốt theo Bác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng khẩu hiệu hành động của cán bộ, đảng viên toàn tỉnh, đó là: "Đoàn kết thống nhất – Năng động sáng tạo – Dân chủ kỷ cương – Xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh”.

 Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã khuyến khích khả năng chủ động, tự chịu trách nhiệm, phát huy cao nhất sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong tập thể và của tập thể; tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng cũng như ngoài xã hội; mở rộng dân chủ bằng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, cán bộ hưu trí và nhân dân nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, giải quyết nguyện vọng chính đáng.
 

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, thực tế cho thấy, nhờ triển khai sâu rộng trong toàn đảng bộ đã tạo động lực cho nhiều phong trào thi đua phát triển, tiêu biểu là việc huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án lớn của tỉnh như: "Thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”, cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2013, nhưng Quảng Ninh đã duy trì và thực hiện đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Không những đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra mà còn tạo được những đột phá mới, dấu ấn riêng khẳng định vị thế, vai trò của tỉnh động lực, một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc.

 

 

Kinh nghiệm đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Quảng Ninh là chuyển tải khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để cùng thống nhất hành động. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, mở rộng quan hệ đối ngoại, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh".

 Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tập trung chỉ đạo là đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để toàn dân được biết và tự giác làm theo - Đồng chí Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết. Là tỉnh miền núi, Tuyên Quang lựa chọn những vấn đề làm theo đơn giản, phù hợp với đồng bào dân tộc để mỗi người thấy được ý nghĩa của việc học tập và làm theo gương Bác. Tuyên Quang cũng là cái nôi cách mạng và vinh dự được Bác Hồ sống và làm việc trong thời kỳ Cách mạng nên có nhiều người dân được trông thấy Bác, trò chuyện với Bác và thấy rõ tấm gượng đạo đức sáng ngời của Bác. Công tác tuyên truyền miệng từ những cụ già, những bậc lão thành cũng đã có tác dụng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ sau này.

Trong năm 2013, tỉnh đã hoàn thành việc học tập các chuyên đề trong năm, tổ chức để cán bộ, đảng viên viết thu hoạch và đăng ký việc làm theo với tỷ lệ đạt hơn 95%. Các chi bộ cơ sở thực hiện hiệu quả việc thảo luận về phong cách quần chúng, dân chủ của Bác, từ đó làm cơ sở để mọi người làm theo.

 Để nhân rộng điển hình tiên tiến, cấp ủy đảng từ tỉnh đến huyện đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị gắn với gặp mặt, biểu dương 625 tập thể, cá nhân tiêu biểu. Cùng với đó, Tuyên Quang đẩy mạnh tuyên truyền trực quan bằng các khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tăng cường hoạt động sáng tác, quảng bá hàng trăm tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề này.

Đặc biệt, tỉnh đã biên soạn, phát hành các cuốn tài liệu, bản tin nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, "Đội tuyên truyền thanh niên về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… từ đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của mỗi tổ chức, cá nhân, nhất là thế hệ trẻ.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang xác định rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền; Tiếp tục chỉ đạo đăng ký việc cụ thể theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác; Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện gắn với khắc phục hạn chế được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình; Biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Xác định rõ việc làm theo

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Mỹ Huyền, xác định rõ việc làm theo là cần thiết để mỗi cá nhân, đơn vị có mục tiêu cụ thể cần làm gì và làm trong bao lâu. Tại Lâm Đồng, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức đăng ký việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất rõ việc và rõ kết quả, qua đó, các cấp ủy cũng có cơ sở để đánh giá và khen thưởng cụ thể, công bằng hơn.

 Xuất phát từ yêu cầu trọng tâm chuyển từ học tập sang làm theo, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng sáng tạo nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tế với nhiều cách làm hay, thiết thực. Cụ thể như cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh việc thể hiện việc làm theo ở sự chuyển biến nâng cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến lề lối làm việc, sâu sát cơ sở, khắc phục tính hành chính hóa, chú trọng xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên để nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ chuyên trách trong các đợt công tác tại cơ sở; tập trung nắm tình hình và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chỉ đạo phong trào, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Hàng năm, rà soát, bổ sung các quy chế, quy định, đảm bảo phát huy và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ quan. Xây dựng và thực hiện quy chế nêu gương của cán bộ lãnh đạo theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Hội LHPN các cấp tuyên truyền vận động cán bộ hội viên tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả từ những năm trước. Nhiều mô hình vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả như: mô hình nuôi heo đất tiết kiệm; tổ phụ nữ tiết kiệm; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập; mô hình giúp nhau mua vật dụng gia đình; tổ phụ nữ trồng rau sạch, mô hình xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục xây dựng một số mô hình mới như: mô hình “2 đủ”; mô hình “gia đình đồng thuận”, mô hình “không có trẻ em bỏ học (huyện Lâm Hà), mô hình không có đơn thư vượt cấp (huyện Đơn Dương, Cát Tiên), tổ phụ nữ “Tự tin - Tự Trọng - Trung hậu - Đảm đang”, “Tổ phụ nữ không vi phạm an toàn giao thông” (huyện Đức Trọng); mô hình “Nhà xanh- sạch”, mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (TP Bảo Lộc)… Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh còn quyên góp, tiền, gạo, con giống, ngày công lao động giúp các chị, em có hoàn cảnh khó khăn xóa đói, giảm nghèo tại Hội LHPN TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai...

Cuộc vận động đóng góp xây dựng “Mái ấm tình thương” được các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện. Hai năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã tặng 42 mái ấm, sửa chữa 8 căn nhà tình thương cho phụ nữ nghèo trị giá trên 800.000.000đ. Hưởng ứng đợt phát động “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” năm 2012 do Trung ương Hội phát động, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tặng 20 mái ấm và 135 suất học bổng cho nữ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi trị giá 503.000.000đ.

 

Kinh nghiệm từ một huyện miền núi

Thanh Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, huyện có 23 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn, 6 xã thuộc Chương trình 229 của Chính phủ. Đảng bộ Thanh Sơn hiện có 46 chi, đảng bộ cơ sở với 5.900 đảng viên. Những năm qua, các cấp ủy đảng huyện Thanh Sơn đã quan tâm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị; chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã có nhiều mô hình, cách làm hay hiệu quả, sáng tạo, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống.
 

 

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ở Thanh Sơn đã tạo ra phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, tạo không khí dân chủ, cởi mở, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên nhiều lĩnh vực… Cụ thể như phong trào hiến tặng 22.500m2 đất các loại cùng nhiều cây cối hoa màu của cán bộ, nhân dân khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng; cá nhân ông Tăng Đức, Giám đốc Công ty khai thác và chế biến đá Cự Đồng tặng 6.000m² đất rừng sản xuất; ông Lý Kim Thành tặng 4.500m² đất lâm nghiệp; ông Triệu Văn Quang tặng 800m² đất vườn cho Dự án làm đường xã Cự Thắng; đồng chí Bùi Thị Kim Dung, bí thư chi bộ, hiệu trưởng Trường Tiểu học Địch Quả; đồng chí Nguyễn Văn Biết, bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường THPT Hương Cần; đồng chí Phùng Thị Hậu, phó bí thư chi bộ, kiểm soát viên chi bộ Bưu Điện; đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Tổ Sử - Địa - Ngoại Ngữ, chi bộ trường THPT Thanh Sơn; em Hà Thị Quỳnh, học sinh Trường THCS Thượng Cửu... 

Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã tác động tích cực tới tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Huyện đã phát huy vai trò của người đứng đầu, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, không tham nhũng, không có biểu hiện tiêu cực trong sử dụng các nguồn tài chính công, không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, có ý thức trách nhiệm cao hơn trong công việc.

Theo đồng chí Đinh Công Thực, Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn, đạt được những kết quả trên là do Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo các cấp uỷ xây dựng kế hoạch hướng dẫn các chi bộ cơ sở tổ chức cho đảng viên ký cam kết các nội dung “làm theo”, sau đó chi bộ ký cam kết với đảng bộ. Các đơn vị đã chú trọng gắn việc học và làm theo Bác với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó đề cao vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, lãnh đạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao./.

 

Hiền Hòa

(Theo Đảng Cộng sản Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây