Bác Hồ với miền Nam

Thứ năm - 09/04/2020 20:29
Tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam là ý chí độc lập dân tộc, là khát vọng thống nhất nước nhà.
07 Bac ho 30410 300A1
07 Bac ho 30410 300A1

Miền Nam được Bác Hồ coi như quê hương thứ hai của mình. Vì ở đó in dấu những kỷ niệm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tại ngôi trường Dục Thanh, là nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước khởi đầu cho sự nghiệp cách mạng. Mảnh đất Nam bộ còn có một ý nghĩa thiêng liêng khác là nơi người cha thân yêu của Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những năm tháng cuối đời và an nghỉ.

Xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo cách mạng miền Nam của Người là độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, để Bắc Nam xum họp một nhà, giang sơn thu về một mối. Khi một ngày miền Nam còn chìm trong khói lửa là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một… “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Có những thời điểm, thế nước ngàn cân treo sợi tóc. Người vẫn theo dõi sát sao tình hình diễn biến chiến sự tại miền Nam và đưa ra những chỉ đạo sâu sát kịp thời. Người quan tâm tới từng chi tiết nhỏ trong mỗi trận đánh, qua các bản báo cáo, bản tin trên báo, trên đài phát thanh. Biết tin có đoàn miền Nam ra, Người đều gặp hỏi han tỉ mỉ, ai có thành tích Bác động viên, khen ngợi kịp thời, và gửi quà tặng. Khi có người bị thương nặng, Bác đến tận giường bệnh thăm hỏi và trực tiếp căn dặn y bác sỹ hết lòng cứu chữa…

 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, một lần nữa vấn đề thống nhất nước nhà được khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định vượt qua tất cả mọi khó khăn thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”. Chân lý đó thực tế đã được chứng minh sự đúng đắn sáng suốt của Bác cùng Trung ương Đảng. Ở chiến trường miền Nam quân và dân ta đã đập tan “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Trước sự lớn mạnh của quân ta, hòng cứu vãn tình thế, Mỹ ào ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam thực hiện “chiến tranh cục bộ”. Tàn ác hơn, đế quốc Mỹ và chư hầu cho máy bay bắn phá miền Bắc và ý đồ thâm hiểm của chúng là đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”. Mục đích làm cho miền Bắc không chi viện được cho miền Nam hòng bóp chết cách mạng miền Nam. Đúng lúc đó, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi: “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹån lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Geneve, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, phải chấm dứt ngay cuộc tiến công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất, không có giải pháp nào khác. Đó là câu trả lời của nhân dân ta và Chính phủ ta cho đế quốc Mỹ”.

Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Người, mỗi chiến sỹ trước khi ra trận đều khắc sâu hình bóng của Bác nơi trái tim mình. Đại tá Đỗ Tấn Phong, anh hùng quân đội kể: Mỗi lần nhận nhiệm vụ hay trước một trận đánh lớn, nhớ tới Bác Hồ là tôi lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Khi đấu tranh với kẻ thù, người chiến sỹ có trái tim, trái tim mang hình Bác thiêng liêng rực rỡ. Có chiến sỹ bị địch bắt, tên gác ngục đưa ảnh Bác ra và hỏi có biết là người trong ảnh ai không, chiến sỹ ấy đã rất tự hào nói với kẻ thù đó là Bác Hồì kính yêu. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Thương, 6 lần bị địch cưa sống chân, nhưng nhất quyết không khai với kẻ thù dù chỉ một lời. Đó là tấm gương của cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa, trong tù thiếu thốn trăm bề và bị địch tra tấn dã man, được tin Bác mất đã tự tay mình cắt máu vẽ chân dung của Bác và cờ Đảng để đồng đội trong tù làm lễ truy điệu Bác và mang lá cờ Đảng bằng máu trước ngực mình trong những buổi lễ kết nạp đảng viên mới…

Trong toàn bộ di sản tư tưởng mà Người để lại, những ý kiến chỉ đạo, những bài nói bài viết gửi đồng bào, chiến sỹ miền Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt, là tình nhân ái bao la, mối quan tâm sâu sắc và niềm tin mãnh liệt của Bác dành cho đồng bào miền Nam. Đối với Người, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc luôn là mong ước cháy bỏng. Khi được tin Quốc hội tặng thưởng huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chóng Mỹ – Diệm, đồng bào miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu thành đồng Tổ quốc và xứng được tặng thưởng Huân chương cao quý này. Vì lẽ đó tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc- Nam xum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi Huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.

Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành những tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng đất nước thống nhất Tổ quốc. Đó chính là những lời cổ vũ cho quân và dân Nam bộ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược như ước nguyện của Người: “Còn non còn nước còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Ước nguyện của Người đã được quân và dân miền Nam thực hiện một cách trọn vẹn. Ngày 30.4.1975 lịch sử, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Non sông đã liền một giải. Đồng bào Nam Bắc xum họp một nhà.

Hoa Đình Nghĩa
daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây