Ông là du kích, bố là thương binh, con 2 lần chinh phục thành công Trường Sĩ quan Chính trị

Thứ tư - 13/09/2023 05:46
Ít ai ngờ rằng, trong hai năm liên tiếp, Huỳnh Văn Hợp đã hai lần lặn lội hơn hai nghìn cây số từ Cà Mau ra Hà Nội để làm thủ tục nhập học tại cùng một ngôi trường, đó là Trường Sĩ quan Chính trị.
Ông là du kích, bố là thương binh, con 2 lần chinh phục thành công Trường Sĩ quan Chính trị

Nghe thì có vẻ lạ lẫm, nhưng hỏi ra mới biết, đó không chỉ là giấc mơ, hoài bão mà còn là tinh thần không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng của chàng trai trẻ đến từ đất mũi của Tổ quốc. Mà suy cho cùng, cũng chỉ bởi tình yêu, khát khao cháy bỏng được rèn luyện trong “trường đại học lớn”, được trở thành người chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Yêu bộ đội qua những câu chuyện của bố

Năm 1988, khi vừa bước vào tuổi đôi mươi - tuổi đẹp nhất cuộc đời, người thanh niên Huỳnh Văn Kết, quê ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau xung phong nhập ngũ và đăng ký tham gia Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1990, trong một trận chiến đấu với quân Pol Pot, trên đường hành quân cơ động, đồng chí Kết đã bị thương rất nặng do dính phải mìn chống bộ binh K58, để cứu lấy tính mạng, các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ cả hai chân của thương binh và chuyển về tuyến sau để điều trị.

Một năm sau, khi vết thương đã dần phục hồi, chiến sĩ quân tình nguyện Huỳnh Văn Kết bắt đầu “làm quen” với cuộc sống đời thường. Tuy vẫn còn đó những cơn đau “thấu trời” mỗi khi trở gió, cùng vô vàn những khó khăn trong sinh hoạt bởi một cơ thể đã không còn vẹn nguyên, song người thanh niên khi đó không những không bi quan, chán trường mà luôn lạc quan, yêu đời. Người thương binh hạng 1/4 chia sẻ: “Tôi rất đỗi tự hào vì bản thân đã từng là một người lính; được sống trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc; được trực tiếp chiến đấu và đóng góp xương máu cho Tổ quốc, đó là điều đáng trân quý”.

Năm 1992, thương binh Huỳnh Văn Kết bén duyên với chị Trần Thị Phụng. Mặc dù biết hoàn cảnh của người chồng tương lai là vô cùng khó khăn, những chính bởi sự khâm phục về đức tính giản dị, chịu thương chịu khó, nhất là ý chí, nghị lực, của một thương binh “tàn nhưng không phế”, chị Trần Thị Phụng đã gửi trọn niềm tin, để rồi hai người cùng đi đến hôn nhân.

Đến nay, trải qua 31 năm với biết bao sóng gió, truân chuyên, vợ chồng thương binh Huỳnh Văn Kết vẫn luôn “đồng cam cộng khổ”, cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” để xây dựng gia đình hạnh phúc với 4 người con: 2 trai, 2 gái. Đáng nói là cả hai người con trai của thương binh Huỳnh Văn Kết đều đang cống hiến trong lực lượng vũ trang. Trong đó, em Huỳnh Văn Hợp - con út hiện đang là học viên năm thứ 2 của Trường Sĩ quan Chính trị.

Nói về quyết định lấy binh làm nghiệp của mình, Huỳnh Văn Hợp cho biết: “Lúc em còn nhỏ, hình ảnh người bố dẫu không còn đôi chân, nhưng vẫn cần mẫn làm việc và thương yêu các con vô bờ đã hằn in trong trái tim em. Buổi tối, bố thường kể chuyện về những cuộc hành quân xuyên rừng; những trận chiến đấu oanh liệt của một thời hoa lửa; những khó khăn, thiếu thốn khi làm nhiệm vụ bên đất bạn… và cả sự lạc quan, yêu đời dẫu phải đối mặt với muôn trùng gian khổ, hy sinh của người lính. Điều đó làm cho mấy chị em vô cùng thích thú. Cũng chính từ những câu chuyện giản dị ấy mà em thấy yêu bộ đội, yêu người lính ngay từ lúc còn thơ”. Tuy nhiên, hành trình bước vào cổng Trường Sĩ quan Chính trị của chàng trai Huỳnh Văn Hợp không phải “trải bước trên hoa hồng”, mà cũng đầy rẫy những chông gai, thử thách.

Ở đâu có nghị lực, ở đó có con đường

Ít ai ngờ rằng, trong hai năm liên tiếp, Huỳnh Văn Hợp đã 2 lần lặn lội hơn hai nghìn cây số từ Cà Mau ra Hà Nội để làm thủ tục nhập học ở cùng một ngôi trường, đó là Trường Sĩ quan Chính trị. Nghe thì có vẻ lạ lẫm, nhưng hỏi ra mới biết, đó không chỉ là giấc mơ, hoài bão mà còn là tinh thần không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng của chàng trai trẻ đến từ đất mũi của Tổ quốc. Mà suy cho cùng, cũng chỉ bởi tình yêu, khát khao cháy bỏng được rèn luyện trong “trường đại học lớn”, được trở thành người chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chuyện là vào năm 2021, trải qua những nỗ lực không mệt mỏi, ước mơ được làm người lính của Huỳnh Văn Hợp tưởng chừng đã thành hiện thực khi em đạt 29,25 điểm, đứng thứ 6 trong số các thí sinh khối C00 thi vào Trường Sĩ quan Chính trị khu vực miền Nam. Cầm trên tay Lệnh gọi nhập ngũ, Huỳnh Văn Hợp lên đường từ Nam ra Bắc với biết bao khí thế, hào hứng, nhiệt huyết của tuổi trẻ; sau lưng là cả một bầu trời thương nhớ, niền tin, sự kỳ vọng và cả những lo lắng của gia đình.

Song, những ngày vui ấy ngắn chẳng tày gang, bởi trong quá trình khám phúc tra sức khoẻ cho thí sinh nhập học, Huỳnh Văn Hợp đã không đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khoẻ theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 -6-2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự; bị loại trả theo Thông tư số 59/2021/TT-BQP ngày 11-6-2021 của Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội: “Sự thật ấy khiến em rất hụt hẫng. Em không biết phải đối mặt với mọi người xung quanh như thế nào… Tuy nhiên, khi trấn tĩnh lại, em nhận ra rằng, điều đó là vô cùng nhỏ bé so với những gì mà bố của em đã phải trải qua suốt cuộc đời. Dẫu mất cả hai chân, bố vẫn đứng vững bằng ý chí, tinh thần, thì dù khó khăn đến mấy, em cũng quyết tâm vững vàng trên đôi chân của chính mình”, em Huỳnh Văn Hợp trải lòng.

Mặc dù thời gian được sống, sinh hoạt tại Trường Sĩ quan Chính trị chỉ vỏn vẹn hai tháng, nhưng mái trường Thành Cổ với môi trường sư phạm quân sự mẫu mực, giàu tính nhân văn ấy dường như đã góp phần vun đắp thêm tình yêu, giúp cho Huỳnh Văn Hợp tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước để quay trở lại lần thứ hai một cách mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là dẫu phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba sơ với trước: Vừa ôn thi, vừa rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ, vừa làm việc để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống… nhưng thêm một lần nữa, Hợp khẳng định bản lĩnh, trí tuệ khi năm 2022, em thi được 29,75 điểm, đứng thứ 3 trong số các thí sinh thi khối C00 khu vực miền Nam cùng dự thi.

Chia sẻ về những khó khăn và cảm giác của mình khi chính thức trở thành học viên Trường Sĩ quan Chính trị, Huỳnh Văn Hợp cho hay: “Ngày em về nhà, gia đình ai cũng buồn và tiếc nuối. Tuy nhiên, đó là điều khách quan, không ai mong muốn, nên bố, mẹ đều động viên em kiên trì, bền bỉ để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ. Chính bởi vậy mà trong lần trở lại này, em đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, nhất là về bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và thể chất để sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của môi trường hoạt động quân sự với đòi hỏi rất cao cả về thể lực lẫn trí lực. Em cảm thấy hạnh phúc và vô cùng biết ơn những người đã luôn đồng hành cùng bản thân trong những lúc khó khăn nhất”.

Từ nghị lực “đứng vững trên đôi chân tròn” của chú Huỳnh Văn Kết” và câu chuyện “2 lần thi đỗ Trường Sĩ quan Chính trị” của học viên Huỳnh Văn Hợp, tôi chợt suy ngẫm, mọi lối đi đều do chính chúng ta quyết định, nhưng để đi được một chặng đường dài thì mỗi người cần phải thực sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Bởi lẽ, ở đâu có nghị lực, ở đó có con đường.

Viết tiếp truyền thống

Trải qua một năm học tập, rèn luyện trong môi trường Quân đội, từ một cậu thanh niên mảnh khảnh, nhút nhát, Huỳnh Văn Hợp đã trở nên vạm vỡ, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Theo Thượng uý Lưu Trường Vũ, Chính trị viên Đại đội 16, Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Chính trị: “Học viên Huỳnh Văn Hợp là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu, có đức tính khiêm nhường, luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ được giao; tích cực giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong sinh hoạt, học tập, công tác; có tinh thần cầu tiến bộ; thường xuyên tự tu dưỡng, tự rèn luyện nâng cao trình độ của bản thân; được chỉ huy tin tưởng, tập thể tín nhiệm, tin yêu”.

Kết thúc năm học 2022 - 2023 vừa qua, học viên Huỳnh Văn Hợp là một trong bốn đồng chí có kết quả học tập cao nhất của lớp, đạt 7,93 điểm; phân loại rèn luyện tốt. Không những thế, Huỳnh Văn Hợp còn có năng khiếu viết, vẽ, chơi bóng chuyền… nên đã trở thành một trong những hạt nhân nòng cốt trong hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên của đơn vị.

Với những kết quả đạt được, Huỳnh Văn Hợp vinh dự được Thủ trưởng Nhà trường tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến và danh hiệu đoàn viên xuất sắc tiêu biểu. Đó là thành quả xứng đáng của sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi; quyết tâm tự chiến thắng bản thân để vươn lên; ý thức tự tôn về truyền thống gia đình, truyền thống Quân đội; tính tự giác cao trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và sức khoẻ của người học viên trẻ.

Tuy nhiên, đối với Huỳnh Văn Hợp: “Những kết quả mà em đã đạt được là hết sức nhỏ bé và mới là điểm khởi đầu. Đó không chỉ là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mà còn là sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Em xin cảm ơn tất cả và coi đó là món quà tinh thần để dành tặng ông nội - người du kích Nam Bộ năm xưa và gia đình”.

Qua những lời bộc bạch chân thành ấy, tôi càng thấu hiểu hơn về Huỳnh Văn Hợp - một học viên Trường Sĩ quan Chính trị mang trong mình dòng máu của một gia đình cách mạng: Ông nội Huỳnh Văn Đó (biệt danh du kích quân là Ông Tám Cảnh) đã cùng quân và dân miền Nam anh dũng chiến đấu, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; bố là chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, thương binh hạng 1/4; anh trai là Trung úy công an, sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và bản thân là người lính Cụ Hồ, đó là điều vô cùng đáng khâm phục và tự hào.

Như vậy, con đường mà Huỳnh Văn Hợp đang đi không chỉ là điều mà bản thân hằng mong ước, mà còn là con đường kế tục, viết tiếp truyền thống vẻ vang của ông cha, những người đã truyền lửa cách mạng để em có thêm động lực, niềm tin vững bước với sự nghiệp: “Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”; phấn đấu trở thành người chính trị viên ưu tú, thực sự là “người anh”, “người chị”, “người bạn” thân thiết, tin cậy của bộ đội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Nguồn: Việc tử tế - ĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây