Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 3/2019

Thứ ba - 05/03/2019 21:27
Ban Biên tập trân trọng gửi đến bạn đọc, cán bộ Đoàn, ĐVTN nội dung Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 3/2019 và Đề cương tuyên truyền 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019) và Tháng Thanh niên năm 2019 (kèm file).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
1. Thông tin tuyên truyền, giáo dục

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên

và công tác thanh niên của Đảng

Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.

Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Khi đất nước ta còn nằm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, ngay từ năm 1925 trong thư Gửi thanh niên Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, thức tỉnh. Để hồi sinh bộ phận quan trọng này của dân tộc, Hồ Chí Minh đã mở trường huấn luyện chính trị, xuất bản sách báo, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội để thức tỉnh một thế hệ thanh niên yêu nước trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước độc lập, thống nhất, Bác dạy: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà”. Bác ví tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên:  “Với  một  thế hệ  thanh  niên  hăng  hái  kiên  cường,  chúng  ta  nhất  định thành  công  trong  sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Người còn chỉ rõ, thanh niên là người kết nối quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Điều này phản ánh một vấn đề có tính quy luật, đó là sự “bàn giao thế hệ". Mỗi thế hệ chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong một chặng đường cách mạng nhất định và phải được thế hệ sau tiếp bước. Đó chính là thanh niên, “người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà Người đã đưa vào Di chúc.

Từ vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc, Bác căn dặn, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Luận điểm này của Người đã chỉ ra rằng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ mất nếu các thế hệ thanh niên không được chăm lo giáo dục đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên, rồi đến Nha Thanh niên trong Chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Bác luôn nhắc nhở các bộ, các ngành ban hành những chính sách nhằm giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích nguyện vọng chính đáng của thanh niên; tổ chức Đoàn thanh niên phải liên hệ với các lực lượng của Chính phủ. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đó của Người đã chỉ ra rằng, muốn đào tạo bồi dưỡng thanh niên thành những lớp người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; sự tổ chức phối hợp nhiều lực lượng của xã hội.

Tư tưởng về thanh niên và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính thời đại sâu sắc. Những đóng góp, cống hiến của thanh niên trong hơn hai mươi năm đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện Di chúc của Người, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng ta khẳng định: “ Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (Hội nghị TW4 khoá VII). Dưới sự lãnh đạo giáo dục rèn luyện của Đảng, thanh niên ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh; có thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có chí tiến thủ, sớm có ý chí lập thân, lập nghiệp, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái, không ngại khó khăn, khát khao mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để họ có thể cống hiến tốt hơn cho đất nước. Hiện nay cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hoá kinh tế, việc giáo dục rèn luyện thanh niên trở thành người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” liên quan đến vận mệnh của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và dân tộc.

Để thực hiện tốt nhất Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Đảng phải lãnh đạo xây dựng những giải pháp về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế:

Một là, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Hiện nay các tổ chức thanh niên Việt Nam có Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam. Trong các tổ chức đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Vì vậy, cần tập trung xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh thực hiện tốt chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng chính trị nòng cốt trong các phong trào thanh niên và tổ chức của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần thể chế hoá các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên bằng các văn bản pháp luật, các chính sách đối với thanh niên; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính quyền với tổ chức thanh niên. Tổ chức phối hợp trên quy mô toàn xã hội làm công tác thanh niên. Vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong công tác thanh niên được thể hiện ở việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước liên quan đến thanh niên; tham gia xây dựng và hoạch định các chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; tạo mọi điều kiện tham gia quản lý, bồi dưỡng giáo dục và phát huy thanh niên. Các đoàn thể xã hội cần có chương trình công tác thanh niên của tổ chức mình; xây dựng quy chế phối hợp hành động với Đoàn và các tổ chức thanh niên. Đề cao vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy và giáo dục ý thức công dân, ý thức duy trì và phát triển nòi giống, truyền thống gia đình và tinh thần cộng đồng trách nhiệm; động viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội.

Hai là, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên. Trong thời kỳ mới thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp nối các thế hệ cha anh xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thanh niên là nguồn cung cấp nhân lực có chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là lực lượng chủ lực trong xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Để thanh niên xứng đáng với vai trò to lớn đó, cần phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên.
 Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hoá, văn hiến, đoàn kết cộng đồng, rèn luyện ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao  trí  tuệ,  không  cam  chịu nghèo  nàn lạc hậu;  giáo  dục tinh  thần xung  kích,  tình nguyện vì cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước cho thanh niên. Giáo dục lòng yêu lao động, trân trọng sức lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng; ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc, dòng họ, gia đình, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước, luân thường đạo lý; nâng cao nhận thức và định hướng hành động của thanh niên trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.

Giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn. Giáo dục luật pháp và ý thức công dân, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức, tập thể và cộng đồng. Giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức quốc phòng toàn dân, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhận thức đầy đủ về thời cơ và thách thức của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới; âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Tư tưởng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là tinh thần xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Quán triệt và thực hiện Di chúc của Người, cần phải đặc biệt chăm lo bồi dưỡng giáo dục rèn luyện thanh niên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để xứng đáng với vai trò là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác đã căn dặn.

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng, nhà nước cần tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trong những giải pháp quan trọng; Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới; Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên; Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện; Coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực; Phát huy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thanh niên trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đó là những giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác thanh niên. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, phương hướng và những giải pháp cơ bản của Đảng đề ra trong Nghị quyết số 25-NQTW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, là cơ sở để hoàn thành các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; là thiết thực thực hiện lời căn dặn của Người: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
 
Nguồn: truongchinhtrina.gov.vn
2. Theo dòng lịch sử
 
 
 
NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 3:
-------
- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng.
- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân.
- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40- 43 sau công nguyên).
- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ.
- 20/3/2013: Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam.
 
26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
 
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - chặng đường 88 năm xây dựng và trưởng thành

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng và Bác Hồ đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập tổ chức cộng sản của những người trẻ tuổi. Chính vì thế, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá I) tháng 10/1930 đã ra “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”.

Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930, các cơ sở Đoàn đã được xây dựng trên khắp cả nước từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, hệ thống của Đoàn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26/3/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên. Trên cơ sở nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nghị quyết lần thứ nhất (tháng 10/1930).
Đến tháng 3/1931, sau một quá trình chuẩn bị, được sự lãnh đạo và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Đông Dương Đảng Cộng sản Đông Dương; sự lãnh đạo, trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo của Nguyễn Ái Quốc, tổ chức cơ sở Đoàn ở nước ta “từ bắt đầu hiếm hoi” với một nhóm nhỏ 8 thiếu niên do Bác Hồ trực tiếp chăm sóc dìu dắt, sau 5 năm đã phát triển và trưởng thành vượt bậc. Lúc này, trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với hơn 1.500 đoàn viên. Ở một số địa phương, đã hình thành Đoàn từ cơ sở huyện, tỉnh, dần dần đã trở thành lực lượng hùng hậu, xung kích của Đảng, cống hiến hết mình trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam quang vinh.

Thể theo nguyện vọng và đề nghị của tuổi trẻ cả nước, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, được sự đồng ý của Bộ chính trị và Bác Hồ kính yêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (họp từ ngày 22 đến ngày 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn. Từ đó, ngày 26/3 hàng năm trở thành Ngày kỷ niệm, tôn vinh truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

Tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã định ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.

Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương VIII tại Pắc Bó, Cao Bằng. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sỹ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố.

Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 07 đến ngày 14/02/1950) với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5/1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (từ ngày 25/10 đến ngày 04/11/1956), Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh - sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội “Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược... Tiêu biểu cho tinh thần ấy là chị Trần Thị Lý, người con gái anh hùng đất Quảng nhiều lần bị địch bắt, mang trong mình nhiều vết thương nhưng không hề nhụt chí trước quân thù.

Từ ngày 23 đến ngày 25/3/1961, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được triệu tập tại Hà Nội, Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước. Ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.

Tháng 02/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc, Quảng Nam anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Dũng sỹ diệt Mỹ - Anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”; câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp 5 châu; lời hô của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được  mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Đảng ta, nhân dân ta, Đoàn ta đã giáo dục, rèn luyện một thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến - quyết thắng. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Từ ngày 20 đến ngày 22/11/1980, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.

Từ ngày 27 đến ngày 30/11/1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (diễn ra từ ngày 15/10 đến 18/10/1992). Tháng 02 năm 1993, Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai hai phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”, được đông đảo đoàn viên thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (từ ngày 26 đến ngày 29/11/1997) đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận hàng ngàn chương trình, dự án kinh tế - xã hội quan trọng, tiêu biểu như: Dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới vùng đồng bằng Nam bộ; xây dựng Đảo thanh niên; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp... Phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, khoa học công nghệ mới; sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng”, “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”... đã lôi cuốn hàng triệu thanh thiếu niên tham gia. Từ trong phong trào của tuổi trẻ đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác.

Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện”, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (từ ngày 08/12 đến ngày 11/12/2002) đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Phong trào mới với sức sống mới, hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các cuộc vận động, phong trào mới được triển khai như: “Sáng tạo trẻ”, “Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), “Cán bộ công chức trẻ với cải cách hành chính”, “Học tập tốt, rèn luyện tốt”, “Trí thức trẻ tình nguyện”... đã góp phần khơi sức thanh niên trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn. Đặc biệt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi”, diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”  đã được các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện nghiêm túc, có sức lôi cuốn và lan toả mạnh mẽ, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng và niềm tin cho thế hệ trẻ.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17/12 đến 21/12/2007). Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Hai phong trào trên vừa phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, vừa tạo môi trường giáo dục, rèn luyện cho thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, của cộng đồng và đất nước; đồng thời góp phần định hướng, bảo vệ, chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên. Nhiều chương trình lớn của Đoàn như Tháng thanh niên, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam, chương trình Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, Khi Tổ quốc cần... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo, hấp dẫn đã thực sự tập hợp, đoàn kết được đông đảo các lực lượng thanh niên trong xã hội tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 2 phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (có điều chỉnh, bổ sung các nội dung của hai phong trào để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới) nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong nhiệm kỳ Đại hội, nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội như phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “3 trách nhiệm, Sáng tạo trẻ... Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng với các hoạt động nổi bật, ý nghĩa như Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, các hoạt động tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, các hoạt động tình nguyện của y, bác sỹ trẻ, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về biển đảo thu hút sự quan tâm, tham gia của tuổi trẻ cả nước như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo đã thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thức XI, diễn ra từ ngày 09 đến ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội, với khẩu hiệu hành động “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”. Đại hội biểu thị quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022: “Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ cách mạng và trong nhiệm kỳ qua. Bên cạnh nêu ra các hạn chế còn tồn tại, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay; bày tỏ mong muốn các cấp bộ đoàn tập trung thực hiện tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ: Một là, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Hai là, chăm lo củng cố xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình của Đoàn, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, khẳng định vai trò của Đoàn trong đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, trọng tâm là giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”; “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Thu hút, tập hợp, giáo dục thanh niên qua phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên.

Trải qua 88 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam. Qua các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn phát động, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã không ngại khó khăn, gian khổ, vượt lên mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh; tích cực, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; xung kích, tình nguyện bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Khẳng định, việc giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh đặc biệt của trái tim và khối óc.
 
Mỗi năm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn là mỗi lần tổ chức Đoàn đón nhận và giới thiệu thành quả trong rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của thanh niên Việt Nam. Với những cống hiến to lớn trong 88 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà và sự phát triển, lớn mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ngày nay, Đoàn THCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm trở thành những người đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, phát triển. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, bảo đảm cho phong trào thanh thiếu nhi phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho tuổi trẻ; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên; đáp ứng mong mỏi của mỗi gia đình, xã hội, từ đó tạo ảnh hưởng, lan tỏa tích cực trong giới trẻ, khẳng định mạnh mẽ hơn lòng trung thành tuyệt đối, niềm tin của tổ chức Đoàn, thế hệ trẻ hôm nay vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
 
Nguồn: Website Trung ương Đoàn
08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.         

Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 08/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xcai-a (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Cô-pen-ha-gơ (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 08/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. “Ngày làm việc 8 giờ. Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó đến nay, ngày 08/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.

Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 08/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới “phát triển”, “Giới”. Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới. Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:

Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Mêhicô năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.

Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Côpenhagơ (Ðan Mạch) năm 1980.

Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Nairôbi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này “Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được thông qua.

Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995.

Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên hiệp quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.

Mục đích của Hội nghị Bắc Kinh là nhằm kiểm lại việc thực hiện “Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được đề ra tại hội nghị Narôbi và công ước liên hiệp quốc “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (Công ước CEDAW) đồng thời thông qua “Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000”.

“Tuyên bố Bắc Kinh” và “Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000” là hai văn kiện quan trọng nhất của hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới; Mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm tới mục tiêu Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình” của hội nghị Bắc Kinh.
Ở nước ta, ngày 08/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 02 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó./.
                                                               Nguồn: Website Hội LHPN Việt Nam
Tháng Thanh niên 2019
Thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019), kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (01/7/1989 - 01/7/2019), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2019 với chủ đề: “Tuổi trẻ Phú Yên tình nguyện vì cộng đồng”,

Các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2019 được tổ chức theo hướng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, loại hình hoạt động; đảm bảo tính rộng khắp, tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có tính hành động cao, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, gồm các nội dung hoạt động trọng tâm:

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam; tuyên truyền về Tháng Thanh niên; Tổ chức hành trình đến với các di tích, địa chỉ đỏ gắn liền với tổ chức Đoàn, với các gương anh hùng tuổi trẻ.

2. Tổ chức các hoạt động hướng dẫn phương pháp tư duy sáng tạo, diễn đàn, tọa đàm về sáng tạo trong các đối tượng, lĩnh vực. Tổ chức giao lưu với các cá nhân có nhiều ý tưởng, sáng kiến trong công việc, học tập, sản xuất. Thực hiện hỗ trợ triển khai cụ thể các ý tưởng sáng tạo có tính khả thi cao, chuyển giao, giới thiệu ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu nhi đến các đơn vị phù hợp, vận động nguồn lực xã hội thúc đẩy, phát triển ý tưởng sáng tạo.

3. Tổ chức các hoạt động tuổi trẻ chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới: làm đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê, trao tặng nhà nhân ái, xây dựng sân chơi thiếu nhi; các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước; tổ chức hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức trồng cây, trồng rừng; tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới và thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn; các hoạt động hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế.

4. Tổ chức các hoạt động thanh niên tham gia xây dựng đô thị văn minh:  tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền đảm nhận thực hiện các công trình, công việc gắn với tham gia xây dựng đô thị văn minh; xây dựng và triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự đô thị; đảm nhận xây dựng mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tuyến đường (phố, ngõ, hẻm) thanh niên tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” trên địa bàn đô thị; xóa các điểm đen về môi trường, các điểm tập kết rác sai quy định.

5. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của cán bộ Đoàn các cấp. Tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hỗ trợ thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật công nghệ cao nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Tổ chức hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế, hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm, quản lý sản xuất; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho thanh niên.

6. Tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho thanh niên: Triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trong học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; triển khai thực hiện đề án “Tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 - 2022” trong đó tập trung vào: tổ chức đào tạo kỹ năng tìm việc nhóm, kỹ năng tự tạo việc làm và kỹ năng làm việc cho thanh niên; tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên trong đó tập trung thành phần thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ và thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên khuyết tật.

7. Triển khai các hoạt động an sinh xã hội, phục vụ nhân dân: tổ chức các đội hình y bác sĩ trẻ tình nguyện tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; huy động nguồn lực và tổ chức thanh niên tình nguyện xây dựng nhà nhân ái, các điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính”; Thực hiện chương trình “Tháng ba biên giới” gắn với kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2019).

8. Tổ chức các hoạt động trong thiếu nhi, đội viên nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019): Tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui, khỏe” trong khối Tiểu học, Ngày hội “Tiến bước lên Đoàn” trong các liên đội Trung học cơ sở; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; Hội thu phong trào Kế hoạch nhỏ xây dựng các Ngôi nhà Khăn quàng đỏ; tổ chức các hoạt động hành quân về các địa chỉ đỏ, kết nạp đội viên mới, trưởng thành Đội; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiếu nhi ở khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi là con công nhân các khu công nghiệp; triển khai xây dựng các khu vui chơi cho thanh thiếu nhi.

9. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019); tuyên dương cán bộ Đoàn giỏi các cấp; tuyên dương gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018, thanh niên tiên tiến, xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2016 – 2018. Tổ chức đối thoại, trao đổi giữa cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chính quyền với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; tổ chức Ngày đoàn viên 2019; tập trung công tác phát triển đoàn viên mới; bồi dưỡng đoàn viên ưu tú và trao danh sách giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; thực hiện nghiêm túc chủ trương “1+2”, chủ trương “1+1” và xây dựng Đoàn cơ sở 3 chủ động; tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn - Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên nhân dịp kỷ niệm thành lập Đoàn

3. Những quy định, chính sách nổi bật có hiệu lực năm 2019

1. Thêm đối tượng phải kê khai tài sản

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 sẽ mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản lần đầu nhưng thu hẹp diện phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm cán bộ, công chức; sĩ quan công an, quân đội; quân nhân chuyên nghiệp; phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Các loại tài sản phải kê khai gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim loại quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài…

2. Bằng chính quy tương đương tại chức

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực từ 1/7/2019 quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Luật Giáo dục đại học cũng quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Như vậy, văn bằng hệ đào tạo ĐH chính quy so với các hệ đào tạo tại chức, văng bằng 2, liên thông, từ xa... có giá trị như nhau.

3. Tăng lương theo vùng, lương cơ sở

Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 1/1. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng tùy từng vùng.
Ngoài ra, từ 1/7/2019, mức lương cơ sở cũng được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Chính phủ sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

4. Nhiều điều bị cấm khi “online”

Từ 1/1, Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều sẽ có hiệu lực với những quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, một số hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng như  sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo; thực hiện chiến tranh mạng; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông…

5. Không quy hoạch theo nhiệm kỳ

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch nghiêm cấm một số hành vi như không hoặc chậm công bố quy hoạch; từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch; lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan; cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân…

Đáng chú ý, quy định mới khẳng định quy hoạch không được mang tính “nhiệm kỳ”, phải bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

6. Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng kịch trần 4.000 đồng/lít. Cụ thể, với Xăng (trừ ethanol), tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa tăng từ 300 lên 1.000 đồng/lít…
Dầu madut mức hiện hành là 900 đồng/lít, mức tăng từ 1.1.2019 là 2.000 đồng/lít; Dầu nhờn mức hiện hành là 900 đồng/lít, mức tăng từ 1/1/2019 là 2.000 đồng/lít; Mỡ nhờn mức hiện hành là 900 đồng, mức tăng từ 1.1.2019 là 2.000 đồng.

7. Thay đổi mức đóng bảo hiểm với nhiều đối tượng

Từ năm 2019, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% lương cơ sở với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; người tham gia BHYT hộ gia đình.
Ngoài ra, do lương cơ sở tăng từ  1/7/2019 nên một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng tương ứng như trợ cấp thai sản từ 2,78 lên 2,98 triệu đồng/tháng lên 2,98 triệu đồng/tháng; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 417.000 lên 447.000 đồng/ngày; trợ cấp mai táng tăng từ 13,9 lên 14,9 triệu đồng…

8. Không giải quyết tố cáo “nặc danh”

Từ ngày 1/1/2019, Luật Tố cáo 2018 chính thức có hiệu lực với 9 chương, 67 điều. Đáng chú ý, luật quy định không xử lý việc tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết; không xử lý thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc người này dùng họ tên của người khác để tố cáo. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra.
Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong

Tải tại đây: 

- Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 3/2019:  /uploads/news/2019_03/tl-sinh-hoat-chi-doan-thang-3.2019-chinh-thuc.doc

- Đề cương tuyên truyền 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019) và Tháng Thanh niên năm 2019: /uploads/news/2019_03/de-cuong-tt-88-nam-tl-doan-va-ttn-2019-chinh-thuc.doc
 
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây